Nhiều tàu cá phải nằm bờ do hoạt động không hiệu quả

Thứ Năm, 17/10/2019, 09:12
Sau vài năm đi vào hoạt động, hiện không ít tàu cá của ngư dân phải nằm bờ do hoạt động không hiệu quả...

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về “Một số chính sách phát triển thủy sản” của Chính phủ đã tạo điều kiện giúp ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung có điều kiện được vay vốn để nâng cấp, cải hoán máy móc, đóng mới tàu cá vỏ gỗ, vỏ thép phục vụ hoạt động vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường. Tuy nhiên, sau vài năm đi vào hoạt động, hiện không ít tàu cá của ngư dân phải nằm bờ do hoạt động không hiệu quả...

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay có 40 ngư dân được phê duyệt vay vốn đóng mới tàu cá theo chính sách của Nghị định 67, trong đó có nhiều tàu vỏ thép, với tổng số tiền các ngân hàng cho vay vốn 303,2 tỷ đồng. 

Tàu cá vỏ thép của ông Trần Văn Chiến nằm bờ nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, hiện số vốn cho vay được các ngân hàng thu lại rất ít, nguyên nhân một phần là do tàu cá của ngư dân hoạt động không mang lại hiệu quả. Điển hình trường hợp ngư dân La Văn Thoạn, ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. 

Năm 2017, ông Thoạn vay ngân hàng gần 8 tỷ đồng để đóng mới tàu cá có công suất hơn 700CV. Sau hơn 1 năm ra khơi bám biển, nhưng vì thua lỗ do chi phí cao nên ông phải cho tàu nằm bờ với số nợ quá hạn chi trả cho ngân hàng lên đến 1,4 tỷ đồng. 

“Ngày đóng được chiếc tàu cá công suất lớn và đưa vào hoạt động, vợ chồng tui rất đỗi vui mừng, chỉ chăm lo việc vươn khơi bám biển để kiếm tiền trả số nợ đã vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, do tàu lớn nên kinh phí duy tu, bảo dưỡng máy móc hàng tháng quá lớn, cần nhiều nhân công, trong khi hải sản đánh bắt trên biển không nhiều như trước. Dù thu nhập mỗi chuyến biển tăng hơn, nhưng thu vẫn không đủ bù chi nên tôi quyết định cho tàu cá nằm bờ”, ông Thoạn giải bày. 

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, cho hay, toàn thị trấn có 23 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67. Trong số này, phần lớn các tàu đều hoạt động vươn khơi bám biển khá hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song, hiện có 3 tàu cá đóng mới phải nằm bờ, trong đó có tàu của ông Thoạn. 

Ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tàu cá số hiệu TTH-99999TS của ngư dân Trần Văn Chiến là tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế được đóng mới theo Nghị định 67 và được hạ thủy vào cuối năm 2016. Nhưng, chỉ sau một thời gian hoạt động, do chi phí vận hành hoạt động tàu quá lớn dẫn đến mỗi chuyến biển đều thua lỗ nên ông Chiến đành cho tàu nằm bờ. 

Ông Chiến lo lắng nói rằng, ngoài số vốn có được, gia đình phải vay thêm 17,5 tỷ đồng từ ngân hàng BIDV Thừa Thiên-Huế để đóng mới chiếc tàu này. Tàu dài 28,09m, được thiết kế theo yêu cầu đối với tàu biển cấp 1, hoạt động an toàn ở vùng biển xa bờ đến 200 hải lý với 1 máy chính hiệu Mitsubishi có công suất 822HP, 2 máy phát điện 79KVA và 17KVA, hệ thống lái điện thủy lực, tời kéo lưới thủy lực 4 tấn, tời neo thủy lực 1,5 tấn... nên đánh bắt ở ngư trường xa bờ rất yên tâm. 

Trong những chuyến biển đầu tiên, tàu hoạt động hiệu quả, ông đã trả được gần 500 triệu đồng tiền vay vốn cho ngân hàng. 

Thế nhưng càng về sau, mỗi chuyến biển chỉ thu được trên dưới 100 triệu đồng, trừ chi phí nhân công, tiền dầu thì lỗ nặng. Mới đây, ông cố gắng kêu gọi ngư dân đi thêm 3 chuyến nữa để hy vọng kiếm thêm được ít tiền trả lãi ngân hàng vào dịp cuối năm nhưng càng ra khơi thì càng lỗ nên tàu đành nằm bờ suốt 3 tháng qua. Trong khi tàu nằm bờ thì số tiền gốc và tiền lãi ngân hàng mà gia đình phải trả mỗi năm lên đến 1,2 tỷ đồng nên hiện gia đình chưa biết phải tính sao...

Theo ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, thống kê của Ngân hàng Nhà nước, toàn tỉnh hiện dư nợ vốn cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 đến hơn 255,8 tỷ đồng. Riêng, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), Chi nhánh Thừa Thiên-Huế, thời gian qua, đã cấp tín dụng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 cho 18 ngư dân trên địa bàn tỉnh với tổng vốn hơn 151 tỷ đồng. Song đến nay, tổng số tiền thu nợ chỉ đạt hơn 4,2 tỷ đồng. 

Ngoài các tàu cá hoạt động không hiệu quả, vẫn có nhiều chủ tàu 67 làm ăn có lợi nhuận nhưng chưa có ý thức, trách nhiệm trả nợ và thực hiện các cam kết tín dụng, ỷ lại chính sách của Nhà nước, chây ỳ và không hợp tác với ngân hàng trong việc trả nợ. 

Ngoài ra, do ngân hàng và các cơ quan chức năng chưa nắm bắt chính xác sản lượng, giá trị và doanh thu khai thác hải sản thực tế dễn đến các chủ tàu cá thiếu trung thực, khai gian sản lượng, giá bán lẫn doanh thu để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ vay cho ngân hàng. “Thời gian tới, Agribank chi nhánh Thừa Thiên-Huế sẽ triển khai nhiều biện pháp đối với các chủ tàu vi phạm cam kết tín dụng, chậm trả nợ so với quy định.

Ngoài đề xuất các chính quyền địa phương, các Chi hội nghề cá, nghiệp đoàn nghề cá tăng cường công tác tuyên truyền đến ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ trong việc trả nợ, quản lý tài sản đảm bảo tiền vay thì đơn vị sẽ thực hiện thu hồi tài sản là tàu cá nếu chủ tàu không cho tàu hoạt động và sẽ khởi kiện các trường hợp ngư dân cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ”, ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Thừa Thiên-Huế cho hay. 

Anh Khoa
.
.
.