Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục hy vọng vào một năm mới bứt phá

Thứ Tư, 02/01/2019, 06:38
Đầu năm 2019, chia sẻ với PV Báo CAND, TS. Lê Đăng Doanh-nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương vui mừng cho biết, năm 2018 đã để lại nhiều dấu ấn trong tăng trưởng, nhiều tín hiệu lạc quan từ kim ngạch xuất khẩu tới số doanh nghiệp mới tăng lên, niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường đầy lạc quan.


Trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi như chiến tranh thương mại Mỹ Trung; trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp FDI và trong nước, tình trạng cổ phần hóa DNNN chậm, nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả..., nhưng năm 2018, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước..., kinh tế Việt Nam đã bứt phá ngoạn mục: 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, với nhiều kỷ lục mới được thiết lập. Với nền tảng đó, chúng ta có quyền đặt hy vọng vào bức tranh kinh tế 2019 sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.

Kiên định với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững

Đầu năm 2019, chia sẻ với PV Báo CAND, TS. Lê Đăng Doanh-nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương vui mừng cho biết, năm 2018 đã để lại nhiều dấu ấn trong tăng trưởng, nhiều tín hiệu lạc quan từ kim ngạch xuất khẩu tới số doanh nghiệp mới tăng lên, niềm tin của doanh nghiêp vào thị trường đầy lạc quan.

Đặc biệt, chúng ta nhìn thấy sự tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 40 tỷ USD, trong đó xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 19,51 tỷ USD.

“Đây là tín hiệu mừng đối với ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bởi, hiện nay thế giới đang rất cần các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp và du lịch sẽ đem lại giá trị cao đối với nền kinh tế.

Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong năm 2019.

Thu nhập từ nông nghiệp và du lịch là thu nhập thực tế, người dân được hưởng lợi trực tiếp, không như xuất khẩu điện thoại, may mặc… kim ngạch cao nhưng giá trị giữ lại được rất thấp. Nếu các mặt hàng nông nghiệp nâng cao chất lượng, chuẩn hoá các quy trình sản xuất, xuất khẩu sẽ gia tăng giá trị từ 12-16%. Ví dụ như hiện nay chúng ta xuất khẩu tôm đông lạnh, thì có thể xuất khẩu tôm đã qua chế biến như tôm chiên, tôm tẩm bột… nâng cao được giá trị xuất khẩu”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Do vậy, trong năm 2019, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; theo đó, chúng ta sẽ có nhiều trang trại, xây dựng được nhiều nhà lưới, chuẩn hoá quy trình sản xuất, xuất khẩu để có thể xuất khẩu sang được nhiều nước trên thế giới, đặc biệt khi các Hiệp định FTA và CPTPP có hiệu lực, đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hiện nay như thủy sản, lâm sản và đồ gỗ, rau quả và trái cây, ngoài ra cả nông sản khác như gạo, cà phê, cao su...

Theo đó, “để gia tăng giá trị, người dân cần nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, chứng minh xuất xứ hàng hoá tham gia vào được chuỗi giá trị thì thu nhập của người nông dân và người dân trong chuỗi nông nghiệp sẽ tăng lên, vị thế hàng hoá của Việt Nam cũng được nâng cao, thuận lợi trong việc thâm nhập thị trường quốc tế. Khi đó người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Osmane Dione khẳng định, điểm ấn tượng nhất trong năm 2018 là Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh phải đối mặt nhiều thách thức như trần nợ công, giải ngân đầu tư…

Có những dự báo 6 tháng đầu năm cho rằng, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 6,3%, tuy nhiên đến nay tình hình đã khác, tăng trưởng GDP 7,08%. Việc giữ được lạm phát thấp đã ảnh hưởng tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, tạo tiền đề tốt cho Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức.

Năm 2018, môi trường kinh doanh, đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, thúc đẩy các kế hoạch đầu tư lớn của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, sự khởi sắc của các ngành kinh tế đã đưa xuất khẩu trở thành điểm sáng của năm 2018.

Năm 2018 cũng tiếp tục ghi nhận những thành công nổi bật của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và cả vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần là trên 35,46 tỷ USD. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã đạt mức kỷ lục, với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm trước đó.

“Việc vốn giải ngân tăng cao nhưng vốn đăng ký lại tăng thấp, có thể thấy rằng Chính phủ đã kiên định mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, ưu tiên thu hút dự án FDI trong những ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thu hút FDI bằng mọi giá như trước đây. Do vậy, vốn đăng ký giảm, tuy nhiên chất lượng đưa vốn có tăng thêm”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê cho biết.

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích - Dự báo (NCIF) cũng cho rằng, hai điểm sáng lớn của nền kinh tế Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô và việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã làm giảm đi những tác động không thuận từ thị trường quốc tế.

Đặc biệt, động lực tăng trưởng của nền kinh tế những năm qua đã giảm phụ thuộc rõ rệt vào tài nguyên thiên nhiên, chuyển sang chế biến, chế tạo đang tạo nên những nền tảng tăng trưởng vững chắc hơn.

Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh để không tụt hậu

Năm 2019, Chính phủ đề ra các mục tiêu trong phát triển kinh tế với nhiều chỉ tiêu như tăng trưởng GDP dự kiến từ 6,6%- 6,8%, XNK tăng trưởng từ 7-8%, lạm phát dưới 4%...Với những kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, “Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2019”, ông Osmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định.

Theo ông Osmane Dione, để đạt được mục tiêu trên Việt Nam cần lưu ý tới xu hướng toàn cầu hóa và cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng xu hướng này. Đồng thời, Việt Nam phải chủ động ứng phó với các “cú sốc” bên ngoài, tiếp tục con đường cải cách, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, trong xử lý nợ xấu.

Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia dự báo, kinh tế 2019 vẫn trên đà phát triển tích cực, kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt, nhưng các động lực, các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng có thể thay đổi, vì các yếu tố này trước đây chưa bền vững.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh với sức ép đổi mới, cải tổ hiện nay sẽ khá hơn, tạo điều kiện cho các DN phát triển. Quyết tâm của Đảng, Chính phủ và Quốc hội trong cải thiện môi trường kinh doanh đã tạo sự phấn khởi trong cộng đồng DN. Tuy nhiên, một số tồn tại, khó khăn của kinh tế 2018 cần lưu ý để có sự thay đổi như yếu tố cho tăng trưởng chưa bền vững, vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, DN tư nhân, DNNVV chưa được chú ý, chưa tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn.

Nhận định về kinh tế 2019, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, một số thách thức vẫn còn ở phía trước, bởi rủi ro từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch XNK thế giới và đầu tư nước ngoài.

Không ai biết được cuộc chiến ấy sẽ đi tới đâu và diễn biến ra sao nên đây là bài toán khó trong năm 2019. Cộng với sự phát triển không ngừng từ cuộc CMCN 4.0; nền kinh tế số hoá phát triển nhanh chóng sẽ rất khó dự báo. Vì vậy, nếu chúng ta không nỗ lực để thực hiện Chính phủ điện tử, kinh tế hoá, thương mại điện tử thì rất dễ bị tụt lại. Hy vọng với những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong thời gian qua sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%-7% Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đi được hơn một nửa đoạn đường với kết quả khả quan. Tuy nhiên, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt, mọi biến động của thế giới đều có thể tác động tới nền kinh tế trong nước.

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, “Cần cải thiện chất lượng của công tác điều hành và cải cách thể chế kinh tế. Cập nhật và cân nhắc các kịch bản điều hành cùng với hệ thống thông tin dự báo/cảnh báo kịp thời vẫn là nền tảng quan trọng.

Tuy nhiên, công tác hoạch định chính sách cần thêm yếu tố “bình tĩnh” để tránh bị cuốn theo những diễn biến nhanh và quá mức của thị trường tài chính và các tiến bộ công nghệ”.

Lưu Hiệp
.
.
.