Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cần có lộ trình phù hợp

Thứ Tư, 18/05/2016, 09:52
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang tạo ra đến 9% thu ngân sách, sự ổn định và tiên liệu được của chính sách thuế, bởi nó giúp doanh nghiệp (DN) có thể thiết lập và thực hiện được kế hoạch kinh doanh.

Tuy nhiên gần đây có nhiều quy định pháp luật về thuế thay đổi nhanh, thiếu ổn định đã tạo ra những cú sốc bất ngờ đối với DN.

Ông Đậu Anh Tuấn đưa ra trường hợp Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28-5-2015 và Thông tư 195 195/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 24-11-2015 đều có hiệu lực ngay từ đầu năm 2016. Tính ra khoảng thời gian từ khi ban hành đến khi phải thực hiện chỉ trong thời gian rất ngắn khiến DN hết sức bị động và trở tay không kịp.

“Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản pháp luật không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành. Song đối với Thông tư 195 thì thời điểm có hiệu lực tính từ ngày ký là chưa đủ 45 ngày. Quan trọng hơn nữa, hầu hết các DN trong ngành này đều khẳng định việc thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với măt hàng rượu bia khá đột ngột khiến DN khá sốc, không thể đáp ứng kịp và đối mặt với nguy cơ thua lỗ, theo đó tạo ra gánh nặng lớn cho DN”, ông Tuấn cho biết.

Doanh nghiệp cần một chính sách thuế ổn định để phát triển bền vững. Ảnh minh hoạ.

Tương tự như vậy, các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện Luật thuế TTĐB, thay đổi liên tục đang khiến cho các DN ngành ôtô rất bị động.

Theo VCCI, chỉ trong vòng 6 tháng, cách tính thuế TTĐB thay đổi tới 2 lần, mỗi lần thay đổi thì được áp dụng ngay trong vòng 2-3 tháng. Việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian ngắn không chỉ gây khó khăn cho các DN mà sâu xa hơn sẽ tác động tiêu cực tới thị trường, sức mua và cuối cùng là ảnh hưởng tới chính nguồn thuế đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Theo đánh giá của VCCI, với lộ trình tăng thuế TTĐB liên tục trong thời gian ngắn gần đây với mức thuế suất cao sẽ là những khó khăn lớn đối với các DN, đặc biệt là các DN trong ngành rượu, bia, thuốc lá trong điều kiện các chính sách giải pháp quản lý thị trường như chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế vẫn không được tăng cường một cách tương thích.

Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu  - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho rằng, việc thực hiện chính sách về thuế TTĐB của các DN gặp nhiều khó khăn do một số quy định chưa phù hợp, thay đổi nhiều lần và thời gian quá gấp.

Trước đó, DN bia cũng đã lên tiếng về cách tính thuế mới theo các văn bản hướng dẫn thuế TTĐB từ ngày 1-1-2016. Ngoài ra, hiện thuế TTĐB với bia cũng đang ở mức 55% và trong lộ trình lên 65% vào năm 2018. Các DN cho rằng, việc áp dụng đồng thời 2 quy định trên sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, khiến họ phải đóng thêm cả ngàn tỷ đồng tiền thuế trong năm 2016. Điều này sẽ ăn mòn lợi nhuận và khiến giá bia tăng mạnh.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Nguyễn Triết cho rằng, Hiệp hội, DN ủng hộ chính sách thuế TTĐB của Nhà nước nhưng phải minh bạch và hợp lý. Ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận xét việc điều chỉnh các quy định tại các lần sửa đổi, bổ sung có nội dung khác nhau nhưng việc sửa đổi khá thường xuyên đã gây không ít khó khăn cho các DN hoạt động sản xuất kinh doanh những loại hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế.

“Điều này làm hạn chế tính ổn định của chính sách thuế và môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng đến các DN. Việc tăng thuế suất một mặt có thể làm hạn chế việc sử dụng lãng phí các sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, song mặt khác cũng làm tăng chi phí đầu vào của cả nền kinh tế cũng như chi phí phục vụ cuộc sống của người dân”, ông Hải thừa nhận. Do vậy, ông Hải cho rằng, Luật thuế TTĐB cần được sửa đổi một cách căn bản, ổn định, có lộ trình phù hợp, hạn chế việc sửa đổi bổ sung thường xuyên khó dự đoán như trong thời gian qua.

Theo ông Tuấn, thách thức lớn nhất của Luật thuế TTĐB là làm sao đừng siết quá chặt với những DN trong nước làm ăn đàng hoàng, mà lại tạo ra cơ hội vàng cho hàng nhập ngoại, hàng buôn lậu... chiếm lĩnh thị trường. Chính sách thuế TTĐB cần được xây dựng cho trung hạn và dài hạn, có tính ổn định và dự báo. Lộ trình điều chỉnh thuế phải hài hòa lợi ích của tất cả các ngành.

“Một chính sách thuế ổn định và có tính tiên liệu sẽ thúc đẩy được đầu tư, giúp các DN lập kế hoạch kinh doanh ổn định và chuẩn xác, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Phan Đức
.
.
.