Công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp:

Tăng lương, mong giá đừng tăng

Thứ Ba, 08/09/2015, 07:57
Cuối cùng sau 3 cuộc họp căng thẳng, phương án tăng lương tối thiểu 2016 cũng đã được Hội đồng tiền lương quốc gia chốt, để trình Chính phủ với mức tăng 12,4% (từ 250.000 đến 400.000 đồng tùy theo từng vùng). Nồi cơm của người lao động đã phần nào được an bài. Với mức tăng này, dù chưa hài lòng nhưng ít nhiều người lao động cũng đã có thể tạm chấp nhận.
Vậy nhưng, chưa chính thức tăng lương, người lao động lại đang đối mặt với nỗi lo khác sau mỗi kỳ tăng lương. Lương tăng thêm vài trăm nghìn đồng, thì mỗi ngày đi chợ họ lại phải móc túi thêm mấy chục nghìn do giá cả tăng theo. Nỗi lo tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước… cùng tăng, khiến đời sống của công nhân vẫn không được cải thiện.

Nói về chuyện tăng lương, chị Nguyễn Thị Loan (công nhân KCN Bắc Thăng Long) chia sẻ: “Mức tăng đã được quyết, chúng tôi có ý kiến gì, thì cũng không thay đổi được nữa, chỉ mong tại kỳ họp của hội đồng lương năm sau, cái điều khoản “năm 2017, lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu” được thực hiện, bởi pháp luật đã quy định rõ ràng như vậy”.

Bữa cơm đơn giản của công nhân đang đứng trước nỗi lo bão giá sau mỗi lần tăng lương.

Tuy nhiên, theo chị Loan, đó là cái mong ước còn xa, mong ước trước mắt của công nhân ngay lúc này, là làm sao để công nhân thật sự được thụ hưởng từ việc tăng lương tối thiểu vùng. Với mức lương 3,6 triệu đồng/tháng, đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2016, nhưng cuộc sống vợ chồng chị Loan cũng vẫn đang rất chật vật. “Lương tăng lên được vài trăm nghìn, mỗi ngày đi chợ lại mất thêm vài chục nghìn, thì tăng lương cũng bằng không. Cứ đến kỳ tăng lương, nhiều gia đình lại bỏ những chỗ trọ tốt đang ở, để đi tìm một phòng trọ khác xa hơn, cũ hơn, dột hơn bởi vì giá rẻ hơn, hoặc chí ít cũng trong giới hạn tiền lương cho phép…

Lương tăng theo đường chéo, nhưng giá cả lại tăng theo chiều thẳng đứng. Vì thế, chúng tôi mong cơ quan chức năng có sự phối hợp với nhau kiểm soát giá cả. Công nhân chúng tôi chẳng trông chờ gì nhiều, chỉ mong giá cả đừng tăng, như vậy là mừng rồi”, chị Loan nói.

Trao đổi với PV, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thừa nhận, thực tế chỉ số lạm phát đối với người lao động chưa sát so với chỉ số giá tiêu dùng mà Tổng cục Thống kê công bố. Theo ông Chính, chỉ số giá tiêu dùng được tính dựa trên nhiều mặt hàng như: vàng, đô la, sắt, thép, xi măng… Tuy nhiên, đa số những mặt hàng đó công nhân lại không sử dụng. Những thứ giá cả ảnh hưởng lớn đến đời sống công nhân, như: giá thuê nhà trọ, tiền gửi con… lại không nằm trong đó.

“Do vậy, mỗi lần tăng lương, công nhân, người lao động phải đối mặt với nhiều nỗi lo, do giá cả tăng là điều có thật”, ông Chính nói. Ông Chính ví dụ như giá điện tăng 10%, người lao động đi thuê nhà lại phải chịu phần lũy tiến phía sau với giá rất cao, bởi phần giá thấp thì chủ nhà đã hưởng hết. Giá điện, giá nước tăng, các mặt hàng ở khu công nghiệp đều tăng từ 7 đến 9%. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước sau đợt điều chỉnh tăng lương lần này, cố gắng kìm được giá cả những mặt hàng mà người công nhân đang cần.

Một bài học kinh nghiệm mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện rất tốt, là các cơ quan đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội phụ nữ… kiến nghị với Thành ủy TP Hồ Chí Minh để có chủ trương vận động các chủ nhà trọ không tăng giá đối với người lao động. Các đoàn thể đi vào từng khu dân cư vận động chủ nhà trọ, để chủ nhà trọ cam kết dù có tăng lương vẫn không tăng giá nhà trọ.

Vừa tăng lương mà chủ nhà trọ đã đòi tăng giá luôn, thì việc tăng lương thực sự chẳng có ý nghĩa gì. Việc này phải có chủ trương của các địa phương…              

Phan Hoạt
.
.
.