Chuyện người quản lý

Tăng giá nước sạch, người dân có hết 'khát'?

Thứ Hai, 21/09/2015, 08:35
Trong suốt mấy tháng hè, một số khu vực dân cư Hà Nội thấp thỏm lo đường ống nước sông Đà vỡ thì tại nhiều khu vực, nước sạch vẫn là thứ xa xỉ. Trong khi đó, từ tháng 10/2015, giá nước sinh hoạt tại Hà Nội sẽ tăng khoảng 20%. Liệu giá tăng người dân có đủ nước sử dụng?

Như Báo CAND đã đưa tin, Hà Nội sẽ tăng giá nước sạch từ ngày 1/10. Cụ thể, theo thông báo của Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch, giá bán nước cho hộ gia đình sử dụng vào mục đích sinh hoạt sẽ tăng lên 5.973 đồng/m³ cho 10m³ đầu tiên. Sử dụng từ 10m³ đến 20m³ sẽ có giá 7.052 đồng/m³ và mức trên 20m³ đến 30m³ có giá 8.669 đồng/m³. Còn sử dụng trên 30m³, giá sẽ tăng lên 15.929 đồng/m³.

Đối với nước sử dụng cho các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công cộng có giá bán là 9.955 đồng/m³. Nước sử dụng cho các đơn vị sản xuất có giá bán 11.615 đồng/m³ và nước sử dụng cho kinh doanh dịch vụ có giá bán cao nhất là 22.068 đồng/m³. Giá bán trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (5%) và phí bảo vệ môi trường (10%) đối với nước thải sinh hoạt.

Theo một cán bộ công ty nước sạch, việc tăng giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn từ ngày 1/10 là nằm trong lộ trình đã được thành phố phê duyệt trên cơ sở đề nghị của liên ngành.

Đồng tình nhưng khi trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho rằng, việc tăng giá nước phải đi liền với vấn đế chất lượng và đảm bảo nguồn cung cấp cho người dân. Câu chuyện nước sạch nhiễm asen ầm ĩ vào năm ngoái là một minh chứng. Và rằng cần chú ý đến chính sách trợ giá với giá bán nước cho người dân khu vực nông thôn. Nhưng chẳng phải khu vực nông thôn, nhiều khu vực nội thành Hà Nội cũng luôn trong tình cảnh “khát” nước sạch, bởi nguồn nước ngầm đang có xu hướng giảm từ 1-2% mỗi năm. Trong khi dự báo nhu cầu nước sạch năm nay tăng từ 5-7% (tương ứng với lượng nước thiếu hụt của toàn thành phố từ 40 nghìn đến 60 nghìn m³/ngày, đêm).

Dù Chủ tịch TP Hà Nội có yêu cầu, trong trường hợp xảy ra sự cố nhưng chưa khắc phục ngay được, phải sử dụng phương án cấp nước lưu động, nếu xe téc không đủ có thể chủ động dùng xe cứu hỏa, nhưng thiếu nước sạch thì vẫn hoàn thiếu. Nói như ông Trịnh Kim Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội: “Thiếu 55.000m³ một ngày đêm mà chỉ có 5 xe téc thì các đồng chí biết rồi, rất là thiếu, chỉ mang tính chất tình thế thôi”. Trong những ngày hè vừa qua, do mất nước sinh hoạt, người dân một số quận nội thành như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Trong một lần thị sát, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, qua đợt nắng nóng vừa qua, mới chỉ xét trên phương diện nước sạch sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn Thủ đô cho thấy cầu đã vượt cung.

Cụ thể, khả năng sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố hiện đã “kịch trần”, chưa bảo đảm sự bền vững. Do đó, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân trên địa bàn thành phố nâng cao ý thức tiết kiệm điện, nước.

Theo ông Nghị, cùng với tuyên truyền, cần tăng giá nước theo lộ trình phù hợp. Tăng giá nước để ngân sách không phải bù lỗ như hiện nay. Hơn nữa, việc tăng giá nước không phải để tăng thu cho ngân sách thành phố, mà từ đó có nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án nước sạch khác, mở rộng phạm vi phục vụ để có nhiều người dân trên địa bàn thành phố được dùng nước sạch so với hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giá nước sạch tăng theo nhiều loại hàng hóa, sản phẩm khác là chuyện không mới, nhưng điều quan trọng là phải minh bạch cơ chế xây dựng giá đối với loại hàng hóa đặc biệt này.

Thực tế, tỷ lệ thất thoát nước sạch tại Hà Nội cuối năm 2014 là 23% chủ yếu tại các khu vực có mạng đường ống cũ, mà trong năm nay Công ty nước sạch mới chỉ đặt chỉ tiêu giảm thất thoát 2%. Đến mức, lãnh đạo TP Hà Nội phải thốt lên: Chỉ cần giảm được 5% lượng nước thất thoát là bằng công suất một nhà máy sản xuất nước.Giảm thất thoát, tăng chất lượng, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch đang là những “ước vọng” của người dân Thủ đô. Nếu các doanh nghiệp làm được thì việc tăng giá nước sinh hoạt sẽ “êm ái” hơn đối với người dân vì ai cũng sẵn sàng sẻ chia trách nhiệm với Nhà nước. Tất nhiên là khi họ được sử dụng sản phẩm đảm bảo.

Diệp Linh
.
.
.