Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chế biến sâu, liên kết chặt…

Chủ Nhật, 09/02/2020, 08:23
Trước những ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã nhận xét: “Ngành nông nghiệp là ngành tổn thương lớn nhất”. Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng khẳng định, đây chính là tiền đề để tái cơ cấu ngành nông nghiệp vững chắc.


Giải pháp nào để tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách toàn diện sâu sắc, để không rơi vào bị động? PV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết, dịch viêm phổi cấp đã tác động đến sản xuất và thương mại nông sản thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đứng trước dịch bệnh, ngành nông nghiệp là ngành tổn thương lớn nhất, biểu hiện trên 3 khía cạnh. Thứ nhất, Trung Quốc là thị trường khổng lồ của nông sản Việt Nam, hàng năm lượng hàng xuất sang Trung Quốc chiếm 22-25% kim ngạch xuất khẩu. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Trung quốc đạt 8,47 tỷ USD trên tổng kim ngạch 41,3 tỷ USD. Trong đó có một số nhóm nông sản, thị trường Trung Quốc chiếm phần lớn. Biểu hiện rõ nét nhất hiện nay là trong tháng 1-2020 đã bị giảm tới 14% giá trị xuất khẩu nông sản sang phía Trung Quốc và kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay con đường thông thương đã bị ngăn chặn để phòng chống dịch bệnh. Do đó, chúng tôi đánh giá là thời gian tới ảnh hưởng thương mại rất rõ nét và rất lớn.

Thứ hai, dịch bệnh ảnh hưởng đến đầu tư vì các doanh nhân của hai bên đang trao đổi làm ăn thì kỳ này với các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh thì đường hàng không, giao thương đi lại hạn chế. Thứ ba, một số nông sản bạn cũng đã chấp nhận đến giai đoạn đánh giá rủi ro cuối cùng để cấp phép cho phép xuất khẩu chính ngạch thì kỳ này do việc hạn chế đi lại, các đoàn của bạn không sang được ta và các đoàn của chúng ta cũng không sang được để tiếp tục đàm phán, thỏa thuận. Ảnh hưởng này không chỉ là trước mắt, mà có thể còn kéo dài, bởi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới dừng lại.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng thông tin những giải pháp trước mắt để chúng ta có thể giảm thiệt hại trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước tình hình này, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng đã có các văn bản chỉ đạo ứng phó dịch. Bộ NN&PTNT cũng đã trực tiếp tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp với các tỉnh có nông sản xuất khẩu, đến các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, doanh nhân và người dân. 5 giải pháp chúng tôi đặt ra phải làm ngay là tổng rà soát lại khối lượng nông sản, các nhóm mặt hàng để xuất khẩu sang Trung Quốc cụ thể theo từng tháng từ nay cho đến những tháng cuối năm để đề ra kịch bản căn cứ diễn biến tình hình của từng giai đoạn để có phương án ứng phó.

Thứ hai, tổ chức tăng cường công tác thương mại ở trong nước, nếu không xuất được thì ta phải tập trung đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.Thứ ba là tập trung chế biến, đề nghị các doanh nghiệp chế biến lúc này phải liên kết chặt chẽ với những vùng nguyên liệu để trên cơ sở đó chúng ta đưa vào công tác chế biến nhằm giảm bớt xuất khẩu tươi, xuất khẩu thô, giảm bớt khối lượng. 

Thứ tư là yêu cầu ngành hàng logistic kiểm tra lại tổng kho dự trữ đông lạnh được để có thể đưa một số sản phẩm vào ướp đông lạnh kéo dài thời gian chúng ta có thể phân phối thương mại. Và thứ năm là căn cứ tình hình có thể một số đối tượng sản xuất nông nghiệp thay đổi. Những vùng tưới trồng dưa hấu không trồng dưa hấu nữa, phải chuyển sang cây giống khác, những cây ngắn ngày cùng với thời gian sinh trưởng đó nhưng là nhóm sản phẩm dễ tiêu thụ như: đậu tương, ngô, lạc, thậm chí nhiều vùng chuyển sang trồng cỏ để phát triển đại gia súc.

Cái gì cũng có quy trình chúng ta không được hoang mang. Chúng ta cần biến thách thức thành thời cơ quan trọng, coi đây là tiền đề tái cơ cấu một ngành nông nghiệp vững chắc. Để hàng hóa không bán chỗ này thì bán chỗ khác, không bán hôm nay bán tuần sau hoặc lâu hơn nữa. Như vậy, chúng ta cần phải xây dựng biện pháp tức thì cho từng ngành hàng, xúc tiến thương mại đi các nước, chế biến sâu, liên kết các chuỗi… Chợ cũ nguy cơ rủi ro cháy thì không ngồi đó mà khóc, mà phải nghĩ để bàn giải pháp xây chợ mới. Đây là tiền đề và là áp lực buộc chúng ta phải tái cơ cấu sâu sắc hơn nữa nông nghiệp, chứ không phải đợi đến khi xảy ra sự cố gì mới đi bàn các giải pháp chắp vá, phải nghĩ đến các giải pháp xa hơn.

Phóng viên: Vậy những giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp lâu dài, theo Bộ trưởng chúng ta cần làm gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Dịch viêm phổi cấp ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vì cho đến nay diễn biến của dịch bệnh chưa biết bao giờ mới dừng. Vậy chúng ta sẽ tổ chức thương mại tìm thị trường khác. Ngay trong tháng 2, chúng ta sẽ xúc tiến thương mại tại một số thị trường; cử 1 đoàn công tác sang Dubai (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất - UAE); một đoàn tiếp tục sang thị trường Mỹ, thị trường Nhật Bản, thị trường Brazil và các thị trường khác vì mục tiêu chiến lược dài hơi hơn, nhân dịp này thì càng thúc đẩy hơn. Bộ NN&PTNT cũng tính toán các biện pháp dài hạn dựa theo căn cứ tình hình như tái cơ cấu một số đối tượng sản xuất nông nghiệp. Như tôi đã nói ở trên, các vùng hiện nay đang trồng dưa hấu, tới đây không trồng dưa hấu mà chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng cũng có cơ hội tạo một áp lực bức bách để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp sâu hơn trên cơ sở chuỗi liên kết. Không thể để tình trạng cứ đưa ra các sản phẩm thô, cứ đi bán tươi để có một cái rủi ro gì lại tập trung đôn đáo vào giải quyết. Đây tiếp tục là một trong những bài học và là cơ hội cấp thiết để chúng ta tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng vùng hàng hóa, chế biến sâu hơn, liên kết thật chặt để tạo chuỗi giá trị dài và mở ra nhiều thị trường mới để chúng ta không “để trứng vào một giỏ”.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

N.Yến – X.Long
.
.
.