Sử dụng điện vẫn lãng phí, EVN than lỗ 16.800 tỷ đồng

Thứ Tư, 14/01/2015, 08:57
Ngày 13/1, tại lễ tổng kết hoạt động năm 2014, ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra một số thông tin đáng chú ý, trong đó có con số lỗ 16.800 tỷ đồng (cao hơn so với con số hơn 15.000 tỷ đồng được Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Tri công bố tại cuộc họp báo công bố giá thành điện do Bộ Công thương tổ chức vào cuối tháng 12/2014 vừa qua).
>> EVN lãi gần 5.000 tỷ đồng

Bên cạnh đó, việc sử dụng điện lãng phí, không hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp; tổn thất điện năng rất lớn đều là những yếu tố gây sức ép lên giá điện trong năm 2015.

Theo ông Phạm Lê Thanh – Tổng Giám đốc EVN, điện thương phẩm năm 2014 đã tăng trên 11,45%, cao hơn con số dự kiến hồi đầu năm khoảng trên 10% , trong đó riêng điện thương phẩm nội địa (tiêu dùng trong nước) tăng 12,3%.

Ông Thanh cho biết đây là con số gây trăn trở. Vì theo Tổng sơ đồ điện 7 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, yêu cầu tới năm 2015 đưa hệ số đàn hồi điện năng về 1,5, tức là 1,5% điện “ra” 1% GDP, nhưng đến nay tăng 12,3% sản lượng điện mới tăng được 5,98% GDP, nghĩa là 2% điện mới ra 1% GDP. Vẫn tiếp tục là câu chuyện sử dụng điện lãng phí, công nghệ lạc hậu tiêu tốn điện.

Năm 2015 có nhiều yếu tố tác động tiêu cực lên giá điện.

Trong cơ cấu điện cung cấp cho nền kinh tế thì 53,9% (năm 2013 là 52%) sản lượng điện đi vào công nghiệp, xây dựng và chỉ làm ra 38% GDP, trong khi chỉ 4,9% sản lượng điện trong thương mại dịch vụ làm ra 49,5% GDP và 1,5% sản lượng điện làm ra 18% GDP cho nông lâm thủy sản…

Điều này phần nào cho thấy các ngành công nghiệp còn sử dụng công nghệ “bẩn”, cụ thể như xi măng, tiêu tốn rất nhiều điện. Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang chực chờ, luôn thiếu vốn để đầu tư như Việt Nam, đây chính là một thách thức.

Ông Phạm Lê Thanh khẳng định, sử dụng điện chưa hiệu quả là một trong ba thách thức lớn EVN đang phải đối mặt. Thách thức thứ hai là giảm tổn thất điện năng về mức 8% vào 2015, trong khi hiện nay vẫn là 8,6%. Việc luôn phải truyền tải số lượng lớn điện từ Bắc vào Nam khiến bài toán giảm tổn thất không hề dễ giải. Đây cũng là một nguyên nhân lớn tác động đến giá điện. Thách thức cuối cùng là những khoản chi phí đang còn treo lại, mà theo ông Thanh, là khoảng 18.600 tỷ đồng (Riêng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá còn treo lại 8.800 tỷ đồng, cộng với lỗ phát sinh từ giá than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn…. tăng lên khoảng 8.000 tỷ nữa). Ông Thanh khẳng định “đây là thách thức vô cùng lớn trong năm 2015” mà Chính phủ và Bộ Công thương “đang cân nhắc điều chỉnh giá điện cho phù hợp”.

Có mặt tại buổi tổng kết, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng áp lực lên nguồn cung điện sẽ cao, bởi để đạt tăng trưởng GDP 6,2% như mục tiêu thì tăng trưởng điện sẽ là khoảng 13%. Do đó, nhiệm vụ của EVN trước hết là phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất, đời sống nhân dân, đặc biệt là đảm bảo điện cho miền Nam, bởi công suất dự phòng hầu hết tập trung ở miền Bắc, trong khi nhu cầu điện miền Nam tăng cao hơn bình quân cả nước. Phải đảm bảo vận  hành an toàn hệ thống điện, nhất là đường dây 500 kV Bắc – Nam, vốn rất “mong manh”. Bộ trưởng Hoàng cũng yêu cầu EVN phải nâng cao hiệu quả, năng suất lao động 8%, sắp xếp lại bộ máy tổ chức đang hết sức cồng kềnh và tiếp tục thực hiện đề án đổi mới doanh nghiệp, thoái vốn ngoài ngành. 

Vũ Hân
.
.
.