Quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tăng thu ngân sách

Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:31
Năm 2020, ngành Hải quan chịu nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN), bao gồm tác động từ việc giảm thuế của các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) như CPTPP, EVFTA, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm giảm hoạt động XNK của nhiều DN và sự sụt giảm của xăng dầu NK.

Đặc biệt là tác động bất ngờ của dịch COVID-19 đến hoạt động, kinh doanh, sản xuất, XNK của các DN bị giảm sút. Theo đó, số thu ngân sách của ngành Hải quan cũng giảm mạnh. 

Thống kê sơ bộ cho thấy, đến hết ngày 22/9, toàn ngành Hải quan thu nộp NSNN đạt trên 219.611 tỷ đồng, đạt 64,97% dự toán bằng 61,88% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 13,49% so với cùng kỳ 2019.

Theo đại diện Cục Thuế XNK, tình hình thu của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố đóng góp lớn về số thu của ngành Hải quan đều bị ảnh hưởng nên số thu giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong số 35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố của cả nước có nhiều đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 lần 2 (từ cuối tháng 7). 

Ưu tiên thực hiện thủ tục nhanh gọn nhằm giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đơn cử như, Cục Hải quan TP.HCM mới thu đạt 72,136 tỷ đồng, bằng 62,72% dự toán và giảm tới 14,9% (so với cùng kỳ). Cục Hải quan Hải Phòng thu gần 38.867 tỷ đồng, giảm tới 22,6% so với cùng kỳ và chỉ đạt 58,1% dự toán. Cục Hải quan Đồng Nai thu đạt 10.580 tỷ đồng, giảm 20,77%, đạt 54,82% dự toán. Cục Hải quan Hà Tĩnh đạt 3.345 tỷ đồng, giảm tới 33,95% và chỉ đạt 49,93% dự toán. 

Đặc biệt, tại Cục Hải quan Quảng Nam giảm số thu tới 31,48%, chỉ đạt 2.987 tỷ đồng do giá xăng dầu của thế giới và trong nước thời gian qua chạm đáy. Hay tại Cục Hải quan Đà Nẵng, dịch COVID-19 bùng phát ngay chính tại địa phương này khiến cho mọi hoạt động tại đây bị đình trệ.

Trước thực tế trên, việc hoàn thành mục tiêu thu năm 2020 là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi toàn ngành Hải quan phải quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng thu ngân sách. 

Để đạt được kết quả cao nhất, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, tăng cường biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường hướng dẫn các chính sách mới của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. 

Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào thực hiện thủ tục hải quan điện tử và phối hợp với Kho bạc, ngân hàng để thu thuế điện tử 24/7 đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng cho các DN; tạo điều kiện thuận lợi để các DN thực hiện thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, gia hạn nộp thuế. 

Trong đó, ưu tiên thực hiện thủ tục nhanh gọn nhằm giảm thời gian, giảm chi phí cho DN, đặc biệt là đối với các mặt hàng hoa quả tươi trong thời điểm mùa vụ; bố trí công chức chuyên trách tư vấn, giải quyết thủ tục XK nông sản, hoa quả tươi cho DN XK…

Ngoài ra, cùng với các giải pháp tạo thuận lợi, để chống thất thu, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tập trung rà soát, nắm chắc tình hình thu thuế, quản lý nợ thuế ở từng chi cục trực thuộc. 

Đồng thời, các đơn vị cần chủ động rà soát, kiểm tra và phát hiện những vi phạm trong lĩnh vực phân loại hàng hóa, xác định trị giá hay xuất xứ của hàng hóa, từ đó thực hiện truy thu, ấn định thuế, góp phần tăng thu ngân sách, tăng cường công tác quản lý, đấu tranh chống buôn lậu thương mại qua giá, mã, C/O, miễn, giảm, hoàn thuế, công tác thanh tra, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu đối với các DN có hoạt động XNK hàng hóa có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hóa NK của các DN từ các thị trường có nghi vấn; hàng hóa khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, hàng khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế… để kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, tiến hành truy thu thuế cho ngân sách.                      

Xây dựng Dự thảo Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025

Tổng cục Hải quan đang xây dựng Dự thảo Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2021-2025. Các nội dung quan trọng hàng đầu được đặt ra trong giai đoạn này là ứng dụng CNTT phục vụ các hoạt động nghiệp vụ hải quan, triển khai Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, tất các lĩnh vực nghiệp vụ Hải quan như: giám sát quản lý về hải quan, thu thuế XNK, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, chống buôn lậu, kiểm định hải quan, pháp chế… được tin học hóa và tự động hóa thông qua việc tái thiết kế hệ thống CNTT ngành Hải quan. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 4 cho người dân, DN trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Theo Tổng cục Hải quan, trước khi đưa vào ứng dụng hệ thống mới, ngành Hải quan tiếp tục vận hành ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống CNTT hiện có, không làm gián đoạn hoạt động nghiệp vụ Hải quan. Song song đó là xây dựng các kế hoạch, quy trình, công cụ phục vụ giám sát, vận hành, theo dõi đầy đủ hoạt động của hệ thống; tài liệu hóa các quy trình, thủ tục, tài liệu về hệ thống CNTT. Trong kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Hải quan cũng đưa ra các nội dung liên quan đến đảm bảo việc vận hành và nâng cao chất lượng thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia; Cơ chế một cửa ASEN. Đồng thời phát triển các hệ thống CNTT phục vụ quản lý nội ngành.

Phan Đức
.
.
.