Quyết liệt chống buôn lậu những ngày cuối năm

Thứ Tư, 27/12/2017, 09:37
Những năm gần đây, các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Công an và Quản lý thị trường (QLTT) đã duy trì phối hợp, mở chốt ngăn chặn 24/24h tại các địa bàn trọng điểm và một số chốt kiểm tra dọc theo tuyến biên giới Tây Ninh nên tình hình buôn lậu phần nào được kiểm soát. Tuy nhiên, buôn lậu như một chứng bệnh nan y ai cũng biết, nhưng khó dẹp được tận gốc vì tồn tại nhiều bất cập…

 Bài 2: Khẩn trương chấn chỉnh những bất cập


“Người dân phản ánh lực lượng chống buôn lậu cũng nhiều, nhưng tại sao việc chống buôn lậu chưa mang lại hiệu quả cao như mong muốn. Qua đánh giá, có lúc, có nơi, lực lượng chống buôn lậu không hiệu quả. Tôi cho rằng, nếu cá nhân đó (thuộc lực lượng chống buôn lậu – PV) tích cực, chấp hành tốt, thực thi đúng pháp luật, làm tốt thì địa bàn đó tốt, không xảy ra vi phạm, phát sinh buôn lậu. Còn nếu người thực thi công vụ có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu thì tình hình khu vực đó sẽ tăng”, một lãnh đạo lực lượng chống buôn lậu chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho rằng, thời gian qua, một số địa phương vùng biên giới có sự phân công, quy trách nhiệm cho các ngành chưa rõ ràng, nên công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý đối tượng chưa chặt chẽ.

Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng chống buôn lậu, như: Biên phòng, Công an, QLTT chưa có sự thống nhất và đồng bộ, đôi khi có sự nghi kỵ lẫn nhau. Một trong những biểu hiện rõ nhất là mỗi đơn vị đều có “cơ sở”, để làm công tác thông tin, tình hình nhưng lại có sự chồng chéo, “cơ sở” của đơn vị này thì lại là đối tượng bắt giữ của đơn vị kia.

Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua lại tại Trạm kiểm soát Biên phòng Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc (An Giang).

Ông Lê Hồng Bảy, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đồng Tháp phân tích, một trong những khó khăn, vướng nhất là chưa có giải pháp đôn đốc cho những người vi phạm thực hiện việc chấp hành vi phạm trong việc hành vi vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu. Rất nhiều trường hợp bị bắt giữ, ngành chức năng ra quyết định xử phạt nhưng không thực hiện được.

“Việc xử lý hành vi vận chuyển, tàng trữ thuốc lá còn nhiều bất cập. Đa số cư dân biên giới đều làm thuê, làm mướn. Vì vậy, thời gian rảnh rỗi lại tham gia vận chuyển thuốc lá, đường cát để kiếm tiền. Các đối tượng, đầu nậu lợi dụng thuê mướn cư dân biên giới để vận chuyển”, ông Bảy nói.

Đại tá Trần Thanh Phương, Trưởng Công an huyện Hồng Ngự chia sẻ, nhiều nguyên nhân khiến việc chống buôn lậu khó có thể xử lý tận gốc, như: hoạt động diễn ra ở khu vực biên giới, sự chênh lệch giá cả, chất lượng và cuộc sống của người dân biên giới còn khó khăn.

“Phần lớn dân biên giới còn nghèo, sống bằng nông nghiệp, diện tích đất ít, không có nơi lao động sản xuất thêm ở các công ty, xí nghiệp. Ngoài việc làm nông, đánh bắt thuỷ sản thì mùa khô người dân cũng phải lao động kiếm thêm tiền. Ngành chức năng đã đề xuất cấp uỷ, địa phương xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm cho người dân khó khăn biên giới như hỗ trợ vốn, nhưng qua thực hiện chưa hiệu quả, vì vốn không đủ cho người dân chuyển đổi ngành nghề. Còn lợi nhuận từ việc vận chuyển hàng lậu mang lại nhiều hơn lao động hằng ngày nên nhiều người vẫn tham gia”, Đại tá Trần Thanh Phương cho biết.

Hiện nay, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hoá nập lậu vẫn còn bộc lộ nhiều sơ hở, do các quy định còn chồng chéo, khó thực hiện. Đối tượng bị xử phạt không chấp hành quyết định mà tiếp tục vi tái phạm. Sự chênh lệch về giá, nhu cầu tiêu thụ trong nội địa ngày càng tăng cao, lợi nhuận lớn nên tình hình vận chuyển hàng lậu, nhất là thuốc lá điếu ngoại và đường cát diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, các đầu nậu lớn, chủ yếu tập trung tại nội địa vì tại khu vực biên giới chỉ vận chuyển hàng hoá nhỏ lẻ, không có nơi tập trung với số lượng lớn. Lực lượng QLTT cần phối hợp với các ngành giải quyết thực tại ở nội địa, như: từ nơi bán, nơi tiêu thụ và nơi sử dụng thì chắc chắn hoạt động buôn lậu trên khu vực biên giới sẽ giảm.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc Công an Đồng Tháp nhận định, tình hình buôn lậu biên giới Tây Nam rất khó chấm dứt, xử lý tận gốc. Việc chống buôn lậu cần giao hẳn một lực lượng phòng chống hoặc hai lực lượng, có sự phân cấp cụ thể. Hải quan ở khu vực biên giới, cửa khẩu khoảng cách là bao nhiêu và còn lại giao cho lực lượng chống buôn lậu của Công an để chống xuyên suốt từ biên giới đến nội địa. Hiện nay, phần lớn người dân ở biên giới còn nghèo. 

Do vậy, họ chỉ cần vận chuyển nhỏ là sống được qua ngày. Lợi dụng tình hình này, những “trùm” buôn lậu cũng xé lẻ hàng hoá, qua lại biên giới. Vì vậy, công tác chống buôn lậu hiện nay không hiệu quả, do xé lẻ lực lượng, xé lẻ địa bàn. Đối tượng buôn lậu cũng xé lẻ hàng hoá. “Hiện nay, công tác chống buôn lậu giữa các lực lượng Biên phòng, Hải quan và Công an phối hợp rất chặt trên hội nghị nhưng khi chỉ đạo điều hành còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ với nhau. Do vậy, tình hình thẩm lậu hàng hóa vẫn tồn tại.

Công tác phối hợp giữa Công an với Hải quan, Công an với QLTT cũng rất nghiêm túc trên hội trường, nhưng khi triển khai lực lượng thì QLTT và Hải quan còn mỏng. Việc liên kết ở cấp cơ sở, còn yếu. Để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả cao, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, thống nhất giữa các lực lượng với nhau, chứ đơn vị nào cũng có chức năng chống buôn lậu như hiện nay thì cấp uỷ địa phương rất khó lãnh đạo lực lượng chức năng chống buôn lậu hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp trăn trở.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.