Quyết liệt chống buôn lậu những ngày cuối năm

Quyết liệt chống buôn lậu những ngày cuối năm

Thứ Ba, 26/12/2017, 08:31
Các mặt hàng chủ yếu mà các đối tượng buôn lậu vận chuyển, gồm: Đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử, mỹ phẩm, rượu ngoại… Các chủ đầu nậu lợi dụng các tuyến kênh, rạch và đường mòn biên giới để tuồn hàng lậu về Việt Nam.

Kỳ 1: “Điểm mặt” hàng lậu trên tuyến biên giới Tây Nam


Đường đi của hàng lậu

Những ngày cuối cùng của năm 2017, PV Báo CAND có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Vĩnh Ngươn (An Giang), giáp ranh với xã Chey Chok và xã Kompong Krasang, huyện Bourei Cholsar, tỉnh Tà Keo (Vương quốc Campuchia).

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực này nhiều đồng trống, kênh rạch; phía ngoại biên có nhiều kho, bãi chứa hàng lậu với nhiều chủng loại hàng hóa, giá cả các mặt hàng có sự chênh lệch cao so với hàng hóa cùng chủng loại tại Việt Nam.

Các mặt hàng chủ yếu mà các đối tượng buôn lậu vận chuyển, gồm: Đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử, mỹ phẩm, rượu ngoại… Các chủ đầu nậu lợi dụng các tuyến kênh, rạch và đường mòn biên giới để tuồn hàng lậu về Việt Nam.

Một trinh sát của Trạm kiểm soát Biên phòng cho biết, để tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng, các đối tượng tổ chức vận chuyển hàng lậu vào những ngày nghỉ, ban đêm, đặc biệt phân tán nhỏ lẻ hàng hóa để đai vác qua biên giới. Cùng với đó, những đầu nậu tổ chức hệ thống “chim mồi” làm nhiệm vụ canh đường tại hầu hết các cơ quan chống buôn lậu và dùng điện thoại thông tin cho nhau...

Hàng lậu bị lực lượng Công an An Giang bắt giữ.

Khi được biết hàng lậu từ phía Campuchia được tuồn vào Việt Nam qua các tuyến kênh (như: Mương Sáu Nhỏ, Mương 3 Ông Đá, Rạch Chắc Ri, Mương 5 Lùn, Rạch Miếng Ngói Lớn, Rạch Miếng Ngói Nhỏ…) được tập kết về các nhà sàn hoặc bãi đất trống sát bờ kênh Vĩnh Tế (thuộc phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, An Giang), PV đã tìm cách xâm nhập, lọt vào khu vực “cấm địa” nơi được xem là bất khả xâm phạm của các đối tượng vận chuyển hàng lậu trên tuyến kênh này.

Đúng như lời các trinh sát, ở 2 đầu kênh đều có người cảnh giới, báo động cho đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu. Phát hiện có người lạ ra vào, toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng hoá đều ngưng lại.

Chỉ cho tôi xem hình ảnh nhiều nhà sàn dựng san sát nhau trên bờ kênh đều chừa một khoảng trống cố định giữa hai nhà, tạo thành “cánh cửa độc”, một trinh sát kể khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đóng chặt cửa cho các vỏ máy (một loại phương tiện thuỷ - PV) chở hàng lậu quay ngược lại về phía Cămpuchia…

Nếu không có lực lượng chức năng, các đối tượng nhanh chóng đưa hàng lậu lên xe máy đã được “độ” chờ sẵn từng tốp, phóng bạt mạng về các điểm tập kết, trung chuyển khác. Mỗi xe máy chở 2 bao lớn phía sau và 2 bao nhỏ phía trước (từ 150-200 cây thuốc).

Ông Lê Hồng Bảy, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đồng Tháp cho biết, thời điểm cuối năm do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tăng cao nên các đối tượng tìm mọi cách tuồn hàng lậu từ khu vực biên giới vào nội địa.

Giá cả chênh lệch của hàng hoá đã ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân trong việc vận chuyển hàng lậu hoặc tiếp tay cho hàng lậu. Không chỉ người lớn, tại nhiều “điểm nóng” về hàng lậu, những năm trước có trẻ em, học sinh cũng bị dụ dỗ lôi kéo. Nhiều em học sinh, mỗi sáng đi học cũng mang theo từ 3 đến 5 cây thuốc lá trong cặp đến chỗ giao hàng, sau đó mới đến trường.

Thậm chí, nhiều gia đình còn sử dụng con trẻ làm “ăng-ten”, ngồi canh lực lượng chức chống buôn lậu tuần tra, kiểm soát. “Cư dân biên giới, phần đông đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em học sinh thấy đồng tiền dễ kiếm, bị dụ dỗ đã vô tình tiếp tay cho buôn lậu”, ông Bảy cho biết.

Những ngày có mặt tại khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi ghi nhận đối tượng vận chuyển hàng lậu hoạt động chủ yếu tại các xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Phước 1, Tân Hội, Bình Phú và Tân Hộ Cơ, tuyến tỉnh lộ 841 từ cửa khẩu Quốc tế Thường Phước đến thị xã Hồng Ngự.

Nhiều năm nay, xã Thường Thới Hậu B (huyện biên giới Hồng Ngự) được xem là “điểm nóng” của hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm tại Đồng Tháp. Cặp con đường bê-tông liên xã là dòng sông Sở Thượng, phân chia tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia.

Từ đây nhìn sang phía nước bạn, cách con sông vài chục mét, tồn tại nhiều kho hàng. Hàng lậu tập kết tại đây được các đối tượng đưa qua sông tập kết về phía bờ của xã Thường Thới Hậu B rồi vận chuyển bằng xe máy theo đường bê-tông vào các điểm trung chuyển tại thị xã Hồng Ngự.

Đại úy Dương Trung Tính, Trưởng Công an xã cho biết, các đối tượng chủ yếu hoạt động vận chuyển vào thời điểm “nửa đêm, gà gáy”. Năm 2017, chỉ riêng Công an xã bắt giữ 71 vụ (tăng 21 vụ, so với năm 2016). Tang vật thu giữ, gồm 41.374 gói thuốc lá, 2.500kg đường, 11 xe máy, 4 xuồng máy.

Theo chân lực lượng chống buôn lậu

Theo chân lực lượng Công an những ngày cuối năm mới cảm nhận được hoạt động vận chuyển hàng lậu diễn ra phức tạp, liên tục có chiều hướng tăng. Một trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, có ngày, chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ các anh bắt giữ 3 vụ vận chuyển thuốc lá lậu.

Gần đây nhất, sáng 18-12, tại khu vực tổ 7 (ấp Bình An 2, xã An Hòa, huyện Châu Thành), một số đối tượng đang tập kết thuốc lá ngoại nhập lậu, khi thấy lực lượng Công an kiểm tra, các đối tượng đã bỏ nhiều bọc nilon màu đen rồi tẩu thoát.

Qua kiểm tra, lực lượng tạm giữ 3.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, gồm: Hero, Jet và Scott. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ thêm 2 vụ thu giữ 7.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.

Hai ngày sau, khuya 20-12, trên tỉnh lộ 591 (ấp Hòa Hưng 2, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân), lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang đã phát hiện xe ôtô tải BKS 67C-023.63 chứa 70 thùng, với 35.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các nhãn hiệu Hero, Jet và Nelson... Tổng giá trị hàng hóa trên 500 triệu đồng.

Ông Lý Việt Thái, Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, các đối tượng vận chuyển cũng được các đầu nậu mua sắm vỏ lãi và máy dầu “cải tiến” tăng mã lực với tốc độ rất cao và cơ động trong việc quay đầu, luồn lách vào cách kênh, rạch nhỏ.

Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng càng cao, nên các đối tượng buôn lậu càng manh động, sẵn sàng lao thẳng vào lực lượng chức năng để thoát thân.

Theo lực lượng QLTT tỉnh Đồng Tháp, tình hình vận chuyển thuốc lá qua biên giới năm 2017 có chiều hướng tăng. Số lượng thuốc lá bị bắt giữ, xử lý so với cùng kỳ năm 2016 tăng khoảng 25%, đặc biệt vào 6 tháng cuối năm 2017, do các đối tượng nắm bắt được thông tin, hiện nay chưa thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao/chuyến trở lên.

Để vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu bằng xe máy được trót lọt,  các đối tượng thay đổi kết cấu bên trong xe để chứa được nhiều hàng nhất. “Chiêu” này đang diễn ra khá phổ biến, làm đau đầu lực lượng chức năng do rất khó phát hiện. Các đối tượng vận chuyển hàng lậu thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm tập kết, địa điểm vận chuyển hàng.

Năm 2017, Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện, bắt giữ 792 vụ, liên quan đến 205 đối tượng. Trong đó, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu là 603 vụ, liên quan đến 125 đối tượng. Tổng giá trị hàng hoá ước tính trên 4,7 tỷ đồng. Trong 792 vụ được lực lượng Công an phát hiện, có đến 587 vụ là hàng hoá vô chủ”, Đại tá Trần Văn Đoàn, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Đồng Tháp cho hay.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, các đối tượng vận chuyển, tàng trữ hàng lậu không theo quy luật nhất định, không tập trung, không tập kết hàng nhập lậu tại một địa điểm nhất định mà luôn phân tán nhỏ lẻ nhiều nơi, nhiều điểm và vận chuyển nhiều lần.

Trong quá trình vận chuyển hàng lậu, các đối tượng luôn tổ chức một lực lượng cản địa khi bị lực lượng chức năng phát hiện truy đuổi thì lực lượng cản địa này tìm mọi cách để cản ngăn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.