Quỹ bảo lãnh “ngồi chơi” trong khi doanh nghiệp thiếu vốn

Thứ Sáu, 22/09/2017, 13:27
Đây vấn đề được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra thảo luận tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia ( Bộ KH&ĐT) tổ chức tại Hà Nội ngày 21-9.

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, hiện nay cả nước có 27 Quỹ được thành lập với tổng số vốn điều lệ thực có của các quỹ ước khoảng 1.462 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp là 1.318,4 tỷ đồng, vốn của các tổ chức cá nhân theo quy định 143,6 tỷ đồng. Luỹ kế doanh số bảo lãnh của các quỹ từ 2002 đến 30-6-2016 ước khoảng trên 4.161 tỷ đồng.

Tổng số tiền các quỹ Bảo lãnh tín dụng đã phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho DNNVV ước khoảng 361 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, có hàng loạt khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách khiến hoạt động của nhiều quỹ bảo lãnh tín dụng trên cả nước rơi vào tình trạng hoạt động không hiệu quả, quy mô quỹ nhỏ, chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Hầu hết các DNVVN đều rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Do đó, vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời được xem là cầu nối giữa ngân hàng với các DNVVN không có tài sản thế chấp, chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tiền vay nhưng có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động đã phát sinh nhiều vướng mắc khiến mục tiêu hoạt động của các quỹ bảo lãnh không đạt được. Đơn cử như việc phối hợp giữa quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân hàng thương mại còn kém hiệu quả, mức độ tin tưởng vào khả năng thẩm định khách hàng của các quỹ còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn một số yếu tố chi phối hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh như: Quy định cơ chế trách nhiệm không rõ ràng; mức độ “thân thiết” trong mối quan hệ của DNNVV với cán bộ tín dụng…

Bà Hoàng Thị Nhị - Quyền Trưởng ban Bảo lãnh, Ngân hàng phát triển Việt Nam cho biết, nhiều ngân hàng cũng muốn cho doanh nghiệp vay nhưng lại sợ rủi ro, bởi trên thực tế quỹ bảo lãnh tín dụng thường phải tiếp nhận nhiều hợp đồng bảo lãnh tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến việc phát triển hoạt động bảo lãnh cho DNVVN vay vốn tại hệ thống ngân hàng thương mại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, để Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV phát huy hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã đề xuất, cần phải tạo ra cơ chế bảo lãnh tương trợ thí điểm (với sự tham gia của hiệp hội), thiết lập các điều kiện khung và hỗ trợ trong thời gian đầu, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào hệ thống bảo lãnh này và dần chuyển giao hệ thống cho doanh nghiệp tư nhân; phạm vi bảo lãnh có thể được điều chỉnh thành bảo lãnh tối đa 80% khoản vay của DNNVV tại TCTD; đặc biệt, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tạo trách nhiệm chia sẻ rủi ro cho cả các quỹ BLTD và các NHTM với tỷ lệ tương ứng 80% và 20%.

Với cơ chế này, khi chịu trách nhiệm về khoản vay được bảo lãnh, các ngân hàng thương mại sẽ tăng trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho vay và xử lý thu hồi nợ. Để tăng khả năng thẩm định khách hàng có thể bắt đầu từ việc thay đổi mô hình bảo lãnh, bao gồm: Cấp vốn bổ sung từ ngân sách trung ương, cơ chế bảo hiểm bảo lãnh, tạo ra cơ chế tương trợ với sự tham gia của các hiệp hội... Chấp thuận tài sản thế chấp là hợp đồng sản xuất hay hợp đồng bán hàng hóa của doanh nghiệp.

L.Hiệp
.
.
.