Khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế:

Nâng cao vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng

Thứ Ba, 12/08/2014, 09:07
Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, có tới 50% doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng (NH). Điều này đồng nghĩa với việc, cả nước hiện đang có gần 300 nghìn DN đang “đói” vốn. Trong khi đó, nguồn vốn dư thừa, các NH đua nhau tung ra các gói lãi suất ưu đãi để giải ngân. Làm thể nào để DN và NH có thể gặp được nhau?

Là một công ty cung cấp mật ong cho 14 tỉnh thành trong cả nước, Công ty TNHH Thương mại mật ong Hưng Dũng (Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội) chưa bao giờ có nợ xấu, luôn trả lãi đúng hạn và tương đối có uy tín với các NH. Tuy nhiên, con đường tiếp cận vốn của công ty không hề đơn giản.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc công ty cho biết cái khó nhất hiện nay là tài sản nhà đất của công ty cũng như bản thân gia đình ông Dũng không nhiều, và đã dùng để thế chấp vay vốn hết. Bởi vậy, dù có nhu cầu vay thêm vốn mở rộng sản xuất, ông vẫn khó tiếp cận thêm vốn vay NH. “Nhiều DN nước ngoài đã tìm đến công ty ngỏ ý hợp tác nhưng với tiềm lực vốn cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật hiện tại, chúng tôi vẫn không dám nhận lời vì không đủ lực để có thể mở rộng sản xuất. Tôi kiến nghị NH nên mở rộng cho vay tín chấp với các DN làm ăn đàng hoàng, có nguồn thu ổn định và không vướng nợ xấu như chúng tôi”- ông Dũng đề xuất.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng do thiếu tài sản đảm bảo.

Câu chuyện này, thực ra phía NH không phải là không biết, nhưng bản thân họ cũng không dễ gì “gỡ”. Cơ quan quản lý cao nhất là NHNN mới đây đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường khả năng cho vay không cần tài sản đảm bảo, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cơ cấu lại các khoản vay vốn có lãi suất cao trước đây... Bản thân các NH thương mại cũng đã chấp nhận cho vay tín chấp với các DN có đánh giá tín nhiệm cao, phương án trả nợ tốt, không vướng nợ xấu, có nguồn thu ổn định. Song, để khơi được dòng vốn này, các nhà băng cũng kiểm soát rất chặt, vì không ít khách hàng đã vay tiền NH để đầu tư vào các tài sản khác, nên rủi ro nợ xấu rất cao.

Ông Trần Đạo Vũ, Giám đốc DongA Bank Chi nhánh Hà Nội chia sẻ: vay tín chấp là một quá trình giao dịch, chứ không thể gặp nhau lần đầu có thể cho vay tín chấp ngay được. “Hiện tại, chúng tôi đã cho vay tín chấp đối với một số DN, nhất là các DN cung cấp dịch vụ cho Nhà nước và các DN mà chúng tôi quản lý được dòng tiền” - ông Vũ khẳng định. Vị lãnh đạo này cũng khuyến cáo, DN phải minh bạch trong hoạt động và báo cáo tài chính, đảm bảo NH có thể quản lý được dòng tiền thì mới có khả năng vay tín chấp.

Để gỡ nút thắt này, ngay từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Việc ra đời và đi vào hoạt động của các Quỹ đã góp phần tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, có vốn duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Qua hơn 10 năm triển khai, thực hiện, đến nay cả nước có 10 Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động với doanh số bảo lãnh lũy kế trên 2.976 tỷ đồng (tính đến 31/12/2012). Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều địa phương cho biết các NH trên địa bàn có nhu cầu góp vốn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng, nhưng vì chưa có sự hướng dẫn cụ thể của NHNN nên không thể thực hiện được. Hơn nữa, theo quy định, DN muốn bảo lãnh phải có tài sản thế chấp. Mà, nếu đã có tài sản thế chấp, thì DN sẽ đến thẳng NH, cũng chẳng cần gì vay vốn từ Quỹ bảo lãnh. Đây là bất cập tồn tại nhiều địa phương đã kiến nghị từ lâu cần tháo gỡ.

Trước thực tế này, để tạo thêm một kênh bảo lãnh cho DNNVV, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/1/2013 về Quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại NH thương mại được triển khai qua NH Phát triển Việt Nam (VDB). Theo báo cáo của VDB, doanh số bảo lãnh đến 31/12/2012 là 10.692,4 tỷ đồng với hàng nghìn DNNVV được bảo lãnh tiếp cận nguồn vốn vay NH thương mại.

Trao đổi với Báo CAND, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho DN, cần giải phóng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, từ đó phục hồi nền kinh tế. Để làm được điều này, Chính phủ phải vào cuộc giúp đỡ DN thực sự, nhất là những DNNVV, đối tượng chiếm tới 98% số DN ở nước ta, và cũng là đối tượng đang bị tổn thương mạnh nhất do khủng hoảng.

“Điều quan trọng nhất là phải tăng cường hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện nay, quỹ này đang hoạt động cầm chừng, vốn điều lệ thấp, các DN nộp hồ sơ xét đã khó khăn, lại phải qua thêm 1 cửa NH nữa nên thực sự là không hiệu quả. Để nó hoạt động, Chính phủ phải bỏ tiền ra, chấp nhận rủi ro, đằng này Chính phủ cứ giao là quỹ bảo lãnh không được mất vốn, nên khó. Tất nhiên, quỹ hoạt động hiệu quả và thận trọng thì cũng phải bảo toàn đồng vốn, nhưng khi tiền không có, mà áp lực lại lớn, thì những người làm quỹ sẽ tự cứu mình trước khi cứu DN. Vì thế, theo tôi, quỹ bảo lãnh phải thực sự bằng tài chính, tiền tươi thóc thật, chứ không phải chỉ mỗi uy tín, sẽ không hiệu quả. Hiện nay, dù lãi suất cao, nhiều DN cũng chấp nhận, nhưng đằng này không thể vay được. Cứ cái này kéo theo cái kia, nền kinh tế mãi không thể phục hồi”, TS Hiếu đề xuất

Lệ Thúy
.
.
.