Quản lý không chặt, hoạt động vận tải dễ dẫn đến trốn thuế, lách luật

Thứ Bảy, 15/10/2016, 08:50
Thông tin trên được đưa ra tại buổi sơ kết 9 tháng hoạt động thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ GTVT tổ chức.

Tính đến nay, mới có ba ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm trên cả nước. Đó là ứng dụng của Công ty TNHH GrabTaxi (Đề án thí điểm GrabCar); ứng dụng của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Đề án thí điểm V-Car) và gần đây nhất, ứng dụng của Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Đề án thí điểm Thanh Cong Car) được Bộ GTVT chấp thuận triển khai thí điểm.

Nhờ kết nối công nghệ, người dân có thêm nhiều lựa chọn khi tham gia giao thông.

Những phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty CP Ánh Dương Việt Nam đang tham gia thí điểm là các ứng dụng cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của Chính phủ và quy định của Bộ Công thương.

Không phủ nhận tính hiệu quả của công nghệ từ các đề án trên mang lại, song lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận còn có hiện tượng một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định, gây bức xúc dư luận.

Báo cáo của Bộ GTVT cũng nêu rõ: “Trường hợp phần mềm kết nối được cung cấp xuyên biên giới của Công ty Uber B.V. Hà Lan, trong 2 năm qua, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với đại diện của Uber để trao đổi, hướng dẫn Uber xây dựng đề án gửi Bộ GTVT xem xét cho phép hoạt động thí điểm theo đúng các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT; tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bộ GTVT và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vẫn chưa nhận được đề án hoạt động thí điểm của Uber như đã hướng dẫn. Công ty Uber B.V. Hà Lan hiện cũng không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng thương mại điện tử. Vì vậy, Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý để kiểm tra và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách đối với các dịch vụ vận tải được cung cấp qua sàn giao dịch TMĐT của Uber”.

Tuy nhiên, ngày 24-8-2016, Bộ Tài chính đã có Công văn số 11828/BTC-CST hướng dẫn thu thuế Uber, trong đó xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 3%, như đối với dịch vụ vận tải.

Song hướng dẫn này đã gây tác động tiêu cực đối với những đơn vị tham gia thí điểm trong việc kê khai và nộp thuế đối với Nhà nước vì theo Luật Giao thông đường bộ, dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách không được coi là dịch vụ hỗ trợ vận tải, cũng như là dịch vụ vận tải.

Theo báo cáo của Công ty TNHH GrabTaxi, kinh doanh phần mềm kết nối của đơn vị này hiện nay đang được cơ quan thuế xếp loại là dịch vụ khoa học công nghệ và chịu mức thuế GTGT là 5%. Vậy có hay không chuyện “đánh đồng” giữa các đơn vị áp dụng khoa học công nghệ và hoạt động vận tải khách? Tại hội nghị, đại diện Bộ GTVT nêu rõ “việc ban hành công văn hướng dẫn thu thuế Uber không đồng nghĩa với Công ty này đã được cấp phép tham gia đề án thí điểm, đó là hai vấn đề khác nhau”.

Không chỉ lo thất thu về thuế, tại buổi sơ kết 9 tháng, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra với đối tượng là xe hợp đồng dưới 9 chỗ, lập biên bản 263 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt là gần 900 triệu đồng. Đa số các trường hợp này đều không có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định…

Một trong những khó khăn cơ bản hiện nay là việc kiểm tra, xử lý cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm đòi hỏi phải có bản tường trình, sự hợp tác của hành khách khi đi xe. Tuy nhiên do tâm lý sợ phiền hà nên khi lực lượng chức năng kiểm tra, tài xế đối phó bằng cách trình bày đây là xe chở gia đình, bạn bè...”

Đồng tình với ý kiến của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Trung Phong, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hồ Chí Minh kiến nghị: “Để tăng cường hiệu quả cho công tác kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng, chúng ta cần có hình thức nhận biết các loại hình phương tiện này.  Đơn cử như Grab đã có logo, còn những phần mềm khác như Uber thì khó nhận biết. Đồng thời cũng cần “Tăng nặng, phạt cao đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để tăng tính răn đe”.

Chủ trì tại hội nghị, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, TP Hồ Chí Minh đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với những phương tiện không đúng quy định, đề nghị Sở GTVT Hà Nội có những phối hợp mạnh mẽ hơn để thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm phối hợp với lực lượng Công an, cơ quan thuế, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế, ngang nhiên coi thường pháp luật như báo chí đã phản ánh và một số doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội vận tải kiến nghị về Bộ GTVT.

Phạm Huyền
.
.
.