Lại ồ ạt phát triển hồ tiêu: Hệ lụy khó lường

Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:25
Vài năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Định đã “ưu tiên” đưa cây tiêu lên vị trí “đầu bảng” trong nhóm các loại cây để phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh diện tích cây hồ tiêu như hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, nguy cơ mất giá...

Tại huyện Hoài Ân, năm 2010 toàn huyện có 230ha diện tích trồng tiêu, thế nhưng đến nay, đã tăng lên 388ha vượt xa so với quy hoạch của huyện (năm 2015 quy hoạch 300ha). Diện tích hồ tiêu liên tục tăng nhanh thời gian qua do người dân đổ xô trồng, tập trung chủ yếu ở xã Ân Hữu 92,4ha; xã Ân Nghĩa 79,9ha hay xã Ân Đức 51,3ha. 

Ở huyện Phù Cát, 3 năm qua, nhiều nông dân ở các xã quanh khu vực núi Bà của huyện cũng đổ xô trồng tiêu; một số hộ phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu. Đến nay, toàn huyện hiện có khoảng 50ha tiêu, tập trung ở các xã: Cát Trinh, Cát Sơn, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Lâm… Trong đó, xã Cát Trinh có diện tích tiêu nhiều nhất huyện, với hơn 50 hộ trồng tiêu trên diện tích gần 30ha. 

Đáng nói, hầu hết các hộ trồng tiêu ở địa phương này chủ yếu là tự phát, với hình thức quảng canh, chưa được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu một cách bài bản, nếu phát triển ồ ạt thì sẽ gặp nhiều rủi ro.

Người nông dân mở rộng diện tích trồng tiêu sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định, trước đây cây tiêu ở tỉnh chủ yếu trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà nên khó quy ra diện tích đông đặc. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều địa phương ồ ạt mở rộng, phát triển; đến nay, diện tích tiêu toàn tỉnh lên tới gần 1.000ha.

Trong khi người trồng hồ tiêu đang vui mừng bởi tiêu được giá, rồi ồ ạt mở rộng diện tích thì các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương lại lo lắng vì sợ diện tích tiêu tăng mạnh sẽ phá vỡ quy hoạch, dẫn đến bất cập trong cung - cầu; đất đai ngày càng thoái hóa, bạc màu. Vì vậy, việc đổ xô trồng cây hồ tiêu như hiện nay cũng gây ra không ít lo ngại về sự phát triển thiếu bền vững của loại cây trồng này. 

Hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi sự đầu tư lớn và đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc kỹ lưỡng. Thời gian cho thu hoạch cũng khá dài, mất khoảng 3 năm trồng thì cây hồ tiêu mới cho thu hoạch. Theo tính toán của người dân hiện nay, mỗi ha tiêu trồng mới chỉ riêng chi phí mua cây nọc, giống cũng đã mất gần 30 triệu đồng, cộng với đó là chi phí về nhân công, phân bón. 

Ngoài ra, mỗi năm chi phí chăm sóc cho 1ha tiêu cũng mất gần 50 - 70 triệu đồng. Nguồn cung cấp giống chủ yếu là do người dân tự cung, tự cấp hoặc mua lại của người quen thông qua kinh nghiệm của bản thân. Chính điều này khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất dễ xảy ra.

Ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Cát nhận định: “Nếu giá cả ổn định như hiện nay thì việc phát triển cây tiêu là điều tốt, nhưng nếu mở rộng, ngành Nông nghiệp huyện sẽ khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh. Vì vậy, bà con nông dân không nên đổ xô trồng tiêu khi chưa có hướng dẫn, sự đồng ý của cơ quan chức năng. Mặt khác, để bảo đảm lợi ích kinh tế, đối với những diện tích đang canh tác, nông dân nên xây trụ tiêu bằng cây sống, trồng xen canh trong vườn điều để tăng lợi ích trên một diện tích, đồng thời tạo môi trường hài hòa cho cây tiêu phát triển”.

Hoàng Nguyên
.
.
.