Phát huy thế mạnh để TP Thủ Đức góp hơn 30% GDP cho TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 02/09/2020, 22:29
Sau thời gian dài chuẩn bị các bước cần thiết, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đón nhận tin vui khi chính thức được Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Khu đô thị sáng tạo phía đông.

Nói về việc thành lập thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh ở phía đông, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng: Với quy mô diện tích hơn 22.000 ha và hơn 1,1 triệu dân, tuy chỉ bằng 10% diện tích và 10% dân số của TP Hồ Chí Minh, nhưng TP Thủ Đức được định hướng phát triển là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao thành phố.

Cùng với hệ thống hạ tầng có sẵn là Khu công nghệ cao ở quận 9; Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ở quận Thủ Đức và Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2, TP Thủ Đức có thể đóng góp hơn 30% ngân sách cho TP Hồ Chí Minh trong những năm sắp tới. Đồng thuận với chủ trương này của thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng việc thành lập thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh sẽ tận dụng được lợi thế riêng của từng quận để hình thành nên động lực mới, giúp thành phố mang tên Bác phát triển.

Một góc hạ tầng TP Thủ Đức.

Càng thuận lợi hơn khi những năm qua, quận 2, quận 9 và Thủ Đức đều có mức tăng trưởng nhanh; hạ tầng kết nối giao thông được chú trọng đầu tư mạnh mẽ với định hướng là nơi ứng dụng công nghệ cao của cả nước. Thời gian qua, việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp 3 quận, gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức với định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo của TP Hồ Chí Minh.

TS Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright nhìn nhận, việc thành lập một khu vực đặc thù cho TP Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng. Là đô thị lớn và quan trọng hàng đầu cả nước, nhưng TP Hồ Chí Minh đang gặp rất nhiều vấn đề thách thức, cản trở sự phát triển. Việc cho phép thành lập một TP Thủ Đức sẽ giúp giải quyết hết các vấn đề tồn tại; tạo ra cơ chế đặc biệt, vượt trội giúp TP Hồ Chí Minh và cả nước nâng cao năng lực cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực. TP Thủ Đức ra đời sẽ hướng tới việc đón làn sóng đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam. Một lợi thế khác của TP Thủ Đức là nằm sát cạnh các thành phố khác thuộc tỉnh Bình Dương như TP Dĩ An, Thuận An.

Ngoài ra, việc kết nối giữa TP Thủ Đức với các đô thị khác của Bình Dương, Đồng Nai như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Thủ Dầu Một… cũng  khá thuận lợi. Về hạ tầng giao thông, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT thành phố cho rằng, tuyến Metro số 1 và Bến xe Miền Đông mới đang được khẩn trương hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo khối lượng vận chuyển hành khách rất lớn từ trung tâm thành phố ra khu Đông và ngược lại. Đây là một trong những lợi thế của TP Thủ Đức trong việc thu hút nguồn nhân lực đến sinh sống, học tập và làm việc.

Về hạ tầng nhà ở, theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, với hàng trăm dự án đã và đang được phát triển ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ở quận Thủ Đức và quận 9 những năm qua, TP Thủ Đức đã thu hút rất lớn người đến mua nhà, sinh sống ở khu vực này. Đồng thời với quỹ đất còn nhiều, việc đáp ứng chỗ ở cho lực lượng lao động tay nghề cao đến đây làm việc không phải là vấn đề khó, nhất là khi khu Đông hiện đã thu hút được những DN, nhà đầu tư lớn tập trung về đây.

Phân tích rõ hơn về ba trục phát triển của TP Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đầu tiên phải kể đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại quận 2, nơi thành phố đang có đề án xây dựng nơi đây thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây sẽ là trục động lực về kinh tế - tài chính đặc biệt quan trọng. Tiếp theo là trục động lực về khoa học công nghệ với nền tảng là Khu công nghệ cao tại quận 9, diện tích lên đến 1.066 ha hiện đã thu hút được 13 tập đoàn, công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao. Khu công nghệ cao là nơi cung cấp các sản phẩm hàm lượng khoa học công nghệ cao; nơi ươm mầm khoa học công nghệ và thu hút đông đảo giới khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến làm việc.

Cuối cùng là trục động lực về giáo dục đào tạo với cụm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh gồm 18 trường đại học, viện nghiên cứu thành viên và hàng loạt trường đại học khác đang tập trung tại làng đại học Thủ Đức. Đây sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, khu Đông còn có các khu công nghiệp và khu chế xuất như Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu. Do đó, TP Thủ Đức sẽ có nhiệm vụ kết nối 3 chức năng, gồm trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao để góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

Đồng thời, TP Thủ Đức sẽ đóng vai trò trung tâm trong triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.

Lợi thế là vậy, nhưng theo góp ý của nhiều chuyên gia, để thành công, TP Thủ Đức sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ đầu tư ngân sách để phát triển hạ tầng, rồi vấn nạn kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm... Vì vậy, trong quá trình xây dựng đề án, TP Hồ Chí Minh tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng TP Thủ Đức. Việc này nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng... để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng phát triển chung cho TP Hồ Chí Minh.

Đức Thắng
.
.
.