Oằn mình vượt qua cơn hạn, mặn khốc liệt
- Không để người dân thiếu nước sạch sinh hoạt
- Không để hộ gia đình nào thiếu nước sinh hoạt trong đợt hạn mặn 2019-2020
Nhìn cánh đồng lúa 5 công của gia đình đang phải chịu cảnh khô hạn, lúa thiếu nước đến nổi lá cháy khô, chị Phan Thị Sám (ngụ ấp Nhựt Hòa, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) nhói lòng, cho biết: “Năm công lúa vừa mới xuống 3 lần phân nhưng giờ không có nước để bơm vào đồng, coi như mùa này mất trắng. Mấy năm trước, các cống đều được đóng ngăn mạn nên ảnh hưởng không đáng kể, khi thu hoạch lúa cũng lãi được khoảng 30 đến 40 triệu đồng, nhưng năm nay, xâm nhập mặn sớm hơn 1 tháng, mưa kết thúc sớm khiến thiếu nước trầm trọng khiến hầu hết các cánh đồng đều khô trắng, lúa cháy hết gốc”.
Không chỉ riêng gia đình chị Sám, bà con nông dân ở đây làm lúa cũng đang thấp thỏm từng ngày vì nước mặn lên sớm, hạn khô cũng sớm khiến kênh rạch không còn có nước đến nổi cá cũng chết sạch. “Lúa thì đã xuống 3 lần phân nhưng không có nước để bơm vào ruộng nên xem như mất trắng. Nhiều người thấy lúa còn xanh nên bơm nước giếng từ nhà ra đồng cố gắng cứu lúa không phải bị cháy gốc, nhưng nước bơm chỉ đủ để tráng qua cánh đồng. Dù có bơm nước cả trăm khối nhưng không có chân nước thì cũng không làm gì được. Nếu đồng loạt cả cánh đồng đều bơm, đều có lượng nước dưới chân thì mới được. Còn giờ nếu một hộ bơm mà bao nhiêu hộ khác không bơm được thì cũng như không thôi”, chị Sám cho biết thêm.
Không chỉ những cánh đồng lúa hàng ngàn hécta ở đây phải chịu cảnh khô hạn, xâm ngập mặn, nhiều gia đình trồng hoa màu, thanh long ở khu vực tỉnh Long An cũng rất lo lắng. Hàng chục trụ thanh long đang chuẩn bị sắp cho trái đang chết dần do thiếu nước tưới khiến bà con không khỏi thấp thỏm như đang ngồi trên đống lửa. Thanh long trước tết và ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến không thể xuất khẩu nên giá chỉ có 3 - 6 ngàn/kg đã khiến nhiều người phải lỗ nặng, chỉ mong thu hoạch đợt này để bù lỗ. Nhưng tình hình khô hạn kéo dài khiến nhiều gia đình tiếp tục chịu cảnh thiệt hại nặng nề, khó khăn chồng chất thêm, nhiều vườn thanh long có thể mất trắng hàng trăm triệu đồng do thiếu nước tưới. Nhiều hộ phải chạy khắp nơi để mua nước ngọt về tưới thanh long nhằm “vớt vát được lúc nào hay lúc nấy”.
Hạn, mặn khiến nhiều nơi thiếu nước trầm trọng, đất nứt nẻ khô hạn |
Nhiều ngày qua, những gốc thanh long không có nước để tưới |
Chị Phan Thị Kim Loan (ngụ ấp Nhựt Hòa, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết, đã 8 ngày qua không có nước tưới. Để cứu thanh long, chị cũng như nhiều gia đình chạy đôn, chạy đáo mua nước ngọt về tưới, nhưng ở lúc cao điểm hạn mặn như thế này, đôi khi có tiền cũng không mua được nước ngọt để sử dụng. Thanh long bỏ vốn nhiều quá, biết đường nào lấy lại trong khi nợ ngân hàng đến ngày thì phải trả. Giờ mong Nhà nước có cách nào đó để giúp dân chứ giờ làm thì vẫn làm nhưng không có hy vọng nào hết.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, tình hình hạn, mặn gay gắt đã và đang khiến hàng chục ngàn hộ dân tại các địa phương như: Tân Trụ, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Cần Đước… đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, riêng huyện Cần Giuộc hiện đang có hơn 8 ngàn hộ dân “khát nước” trầm trọng. Không đủ nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải chạy khắp nơi để mua nước ngọt về sinh hoạt, và sử dụng nước rất tiết kiệm.
Ông Ngô Bảo Quốc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc cho biết, mùa mưa năm 2019 đến muộn nhưng kết thúc sớm, do đó, lượng nước mưa sinh hoạt trữ phục vụ sinh hoạt cho người dân đến nay gần như cạn kiệt, người dân chủ yếu trông chờ vào nguồn cung cấp. Vùng thượng thì có nguồn nước thủy cục cấp về, riêng vùng hạ những năm qua đã được đầu tư đường ống nước phục vụ cung cấp nước cho người dân tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên nguồn nước cung cấp cho người dân còn hạn chế nên nước cung cấp cho người dân không đủ. Hiện còn khoảng 8.000 hộ dân khu vực 4 xã ở vùng hạ thiếu nước sử dụng, do đó Phòng nông nghiệp phối hợp với nhiều cơ quan liên quan có phương án cấp nước hỗ trợ người dân sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Long An đã điều động nhiều xe bồn cung cấp nước ngọt miễn phí cho bà con vùng hạn, mặn, trong đó có gần 8.000 hộ dân của huyện Cần Giuộc. Tính đến thời điểm này, cơ bản đã cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.