“Nóng” tình trạng buôn lậu phế liệu ở biên giới Tây Nam

Thứ Sáu, 26/07/2019, 07:47
Nhằm đấu tranh, xử lí có hiệu quả trước tình trạng nhập lậu phế liệu qua tuyến biên giới, Ban Chỉ đạo 389 của huyện An Phú đã chỉ đạo thành lập và duy trì các tổ công tác liên ngành. Đồng thời, thành lập một Tổ tuần tra lưu động trên tuyến Quốc lộ 91C, tỉnh lộ 957 và các giao lộ giao thông nông thôn do Công an huyện An Phú và Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang chủ trì.


Bài cuối: Cần có giải pháp mạnh


Theo ghi nhận của PV Báo CAND, sở dĩ tình trạng nhập lậu phế liệu qua biên giới An Giang, Đồng Tháp ngày càng tăng là do phía Campuchia nguồn hàng này rất lớn, tuy nhiên lại không có nhà máy sản xuất, tái chế. Trong khi đó, ở Việt Nam nhu cầu về phế liệu trong nước vẫn đang còn rất cao, chênh lệch giá thành từ đó dẫn đến các đầu nậu, đối tượng buôn lậu dùng mọi cách để tuồn hàng vào Việt Nam.

Bất chấp pháp luật vì lợi nhuận cao

Phế liệu được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển qua biên giới An Giang rất đa dạng, ngoài giấy cũ còn có vỏ lon bia, nước ngọt, các loại sắt vụn… Qua khảo sát và tìm hiểu của PV, chênh lệch giá thành của các mặt hàng phế liệu giữa Campuchia và Việt Nam là khá cao.

Cụ thể, đối với mặt hàng giấy phế liệu ở Campuchia có giá khoảng 2.000đ/kg thì tại TP Hồ Chí Minh có giá khoảng 3.200đ/kg; sắt phế liệu tại Campuchia được các đầu nậu thu mua với giá 6.000đ/kg, sau khi vận chuyển vào nội địa về đến TP Hồ Chí Minh có giá từ 7.500 – 8.000đ/kg.

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang bắt giữ nhiều vụ buôn lậu phế liệu qua biên giới.

Có một thực tế bất cập, là hóa đơn của các đối tượng vận chuyển phế liệu đưa ra khi bị lực lượng chức năng kiểm tra là từ các cơ sở thu mua phế liệu tại TP Hồ Chí Minh nhưng được “chở” ngược về biên giới An Giang. “Thế nhưng luật không cấm, ngành chức năng thấy rõ sự bất hợp lí này nhưng chưa có cách giải quyết” – ông Nguyễn Hoàng Vân, Phụ trách Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, nói.

Do lợi nhuận từ việc nhập lậu phế liệu quá cao, nên các đầu nậu và đối tượng buôn lậu bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm và tái vi phạm nhiều lần tại cùng một địa điểm. Điển hình như tại khu vực cửa hàng vật liệu xây dựng P.T (ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, huyện An Phú) có tình trạng bốc dỡ, vận chuyển phế liệu nhập lậu.

Công an huyện An Phú đã bắt quả tang tại đây một vụ vận chuyển phế liệu nhập lậu với số tang vật, gồm: trên 22.000kg nhựa phế liệu, 10.748kg sắt thép phế liệu; xử phạt hành chính 3 đối tượng với số tiền 27 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật.

Sau đó không lâu, Tổ liên ngành 389 huyện An Phú (Công an, Hải quan, Biên phòng) tiếp tục phát hiện và bắt giữ một vụ đối tượng vận chuyển 14.000kg giấy phế liệu; khi phát hiện lực lượng chức năng, đối tượng tẩu thoát bỏ lại hàng hóa; vụ việc được giao cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình tiếp tục điều tra, xử lí.

Theo Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Tháp Nguyễn Thành Toàn, thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, các đơn vị hải quan cửa khẩu đã thực hiện nghiêm việc quản lý, làm thủ tục nhập khẩu đối với phế liệu.

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, cơ quan hải quan cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên khu vực tuyến biên giới nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ vận chuyển trái phép phế liệu. Mới đây, Cục Hải quan Đồng Tháp đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh Huỳnh Văn Cảnh và tịch thu toàn bộ gần 10 tấn phế liệu.

Lô phế liệu này do Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà chủ trì phối hợp với Biên phòng, Công an địa phương tổ chức tuần tra kiểm soát khu vực Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà phát hiện trên xe ôtô tải đậu tại khu vực Cửa khẩu Dinh Bà chứa gần 10 tấn phế liệu.

Toàn bộ số phế liệu này có nguồn gốc nhập khẩu, nhưng ông Huỳnh Văn Cảnh (chủ hộ kinh doanh) khai nhận mua lại của người dân trong khu vực cửa khẩu, nhưng không có hóa đơn chứng từ. Ông Huỳnh Văn Cảnh không nhớ và không cung cấp được tên tuổi và địa chỉ của những người mà ông đã mua trong khu vực cửa khẩu. Tại thời điểm kiểm tra cũng như suốt quá trình làm việc, ông Huỳnh Văn Cảnh chỉ xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không xuất trình được chứng từ chứng minh lô hàng nêu trên là hợp pháp…

Xử lý nghiêm những trường hợp tiếp tay cho buôn lậu

Nhằm đấu tranh, xử lí có hiệu quả trước tình trạng nhập lậu phế liệu qua tuyến biên giới, Ban Chỉ đạo 389 của huyện An Phú đã chỉ đạo thành lập và duy trì các tổ công tác liên ngành. Đồng thời, thành lập một Tổ tuần tra lưu động trên tuyến Quốc lộ 91C, tỉnh lộ 957 và các giao lộ giao thông nông thôn do Công an huyện An Phú và Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang chủ trì.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang còn yêu cầu Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình bố trí lực lượng thường xuyên, liên tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới 2 nước tại Cửa khẩu Khánh Bình, các đường mòn lối mở khác, nhằm ngăn chặn triệt để các hoạt động nhập lậu phế liệu.

Yêu cầu các xã biên giới tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý triệt để từ các cơ sở thu mua phế liệu trên tuyến biên giới… Công an huyện An Phú nhanh chóng điều tra, làm rõ, đề nghị truy tố các vụ án liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo Cảnh sát giao thông phối hợp cùng Thanh tra giao thông kiểm tra và xử lý đối với các bến đò trên tuyến biên giới, phương tiện vận chuyển hàng lậu.

Đại tá Phạm Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, để giảm tải tình trạng nhập lậu phế liệu, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu tuyên truyền cho các doanh nghiệp và người dân biết về chỉ thị mới quy định trong lĩnh vực này.

Đồng thời, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để rà soát thông tin, đối tượng cũng như các biện pháp phối hợp để kiểm tra, kiểm soát hiệu quả việc phế liệu nhập lậu qua địa bàn phụ trách. “Trong thời gian tới, dự đoán tình hình vận chuyển phế liệu trái phép còn diễn biến rất phức tạp, lực lượng chống buôn lậu BĐBP tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở, đường sông, bảo đảm triệt để không cho phế liệu lọt qua biên giới. Nếu phát hiện có vụ việc vi phạm, chúng tôi kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật”, Đại tá Phan Minh Huyền nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhận định, tình hình buôn lậu mặt hàng phế liệu đang có chiều hướng phức tạp. Vì thế, tỉnh An Giang đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố biên giới, cần phải tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, thanh tra, kiểm tra các kho, bãi mua bán, chứa phế liệu, đặc biệt là khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng buôn lậu và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Mặt khác, cần tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng chống buôn lậu, trước hết là đoàn kết từ lãnh đạo đến CBCS. Đấu tranh chống buôn lậu là việc làm khó, phức tạp, đòi hỏi các lực lượng tham gia phải kiên trì, sáng tạo, xem đây là việc làm thường xuyên.

Từng CBCS phải biết “giữ mình” trong công tác cũng như sinh hoạt đời thường, không để đối tượng buôn lậu mua chuộc. Xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tiếp tay cho buôn lậu” – ông Nưng cho biết.

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, định mức chất thải nguy hại có trong lô hàng phế liệu để làm căn cứ xử lí (hình sự hoặc hành chính) và được phép bán đấu giá hay tiêu hủy. Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ các cơ sở thu mua phế liệu, đồng thời có cơ chế quy hoạch, hạn chế việc cấp phép thành lập mới các cơ sở kinh doanh phế liệu, nhất là ở khu vực biên giới.

V.Đức – T.Lĩnh
.
.
.