“Nóng” tình trạng buôn lậu phế liệu ở biên giới Tây Nam

Thứ Năm, 25/07/2019, 07:56
Tại tuyến biên giới tỉnh An Giang, tình hình nhập lậu phế liệu “nóng” lên, các đối tượng tìm mọi cách để đưa phế liệu nhập lậu vào Việt Nam sau đó hợp thức hóa…


Bài 1: Đêm rác lậu “chảy” vào nội địa


Thực tế cho thấy, dù các lực lượng phòng chống buôn lậu thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhưng do địa bàn rộng, tuyến biên giới dài nên kết quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu phế liệu vẫn chưa cao.

Phần lớn phế liệu nhập vào Việt Nam được tập kết tại các kho của cơ sở kinh doanh phế liệu trước khi chuyển về các cơ sở sản xuất, tái chế. Và sau khi đưa phế liệu trót lọt vào trong nội địa, các cơ sở này nhanh chóng hợp thức hóa chứng từ, thể hiện hàng hóa có nguồn gốc và xuất hóa đơn theo quy định nên công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.

Phế liệu lậu… biến thành hợp pháp

Theo ghi nhận của PV Báo CAND tại biên giới tỉnh An Giang, mặt hàng phế liệu nhập lậu chủ yếu gồm các loại: giấy, nhựa, sắt, lon, nhôm ép thành khối. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng bên kia biên giới phía Campuchia thuộc xã Perchay, Sam Pou Puol, huyện Koah Thum; cảng Dung Dưng, huyện Angkor Borei; sông Long Tiên, huyện Borei Cholsa, rồi sử dụng ghe, xe tải, xe ba gác… vận chuyển qua các sông, rạch, đường mòn, lối mở để đưa vào nội địa Việt Nam.

Phế liệu được nhập lậu bằng đường sông qua biên giới tỉnh An Giang.

Vào những ngày trung tuần tháng 7, PV đi cùng cán bộ thuộc Phòng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang trên tuyến sông chung giữa Việt Nam – Campuchia. Các đối tượng tinh vi lợi dụng đêm tối, khoảng cách giữa 2 bờ sông biên giới (sông Hậu và sông Bình Di) ngắn, hàng hóa được tập kết sẵn trên ghe, chẹt thả trôi trên sông phía bờ Campuchia, đợi tín hiệu “an toàn” từ các đối tượng canh đường thì lập tức cho phương tiện chở phế liệu nhập lậu cập bến Việt Nam.

Lúc này, phía bến nội địa sẽ có hàng chục đối tượng nhanh chóng vận chuyển phế liệu nhập lậu lên xe tải chở đi tẩu tán hoặc tập kết vào các kho và hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa bằng hóa đơn chứng từ “hợp pháp”.

Trao đổi với PV, Đại tá Phạm Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng An Giang, nhìn nhận: “Có những bất cập rất rõ ràng trong công tác phòng chống buôn lậu phế liệu. Hóa đơn chứng từ rất dễ có, các đối tượng buôn lậu luôn mang theo bên mình, miễn phế liệu nhập lậu vừa qua đến bến sông thuộc địa phận Việt Nam thì đã được hợp thức hóa.

Nếu muốn xử lí thì phải bắt quả tang lúc các đối tượng vừa đưa hàng lậu qua đường biên giới trên sông. Nhưng khó là dòng sông chung khá dài, lực lượng chức năng trực đầu này thì bọn chúng sang đầu kia. Còn có mặt lực lượng chức năng thì chúng chỉ lượn lờ bên kia biên giới đợi thời cơ”.

Theo Cục Hải quan An Giang, vào thời điểm cuối năm 2018, tình trạng buôn lậu phế liệu bằng ôtô tải tập kết các bến dọc theo bờ sông Bassac (sông Hậu, ấp Bắc Nam, xã Prek Chrey, Campuchia), đối diện là xã Khánh An (huyện An Phú, An Giang) diễn ra khá rầm rộ. Lượng phế liệu nhập lậu mỗi đêm bình quân khoảng 60 tấn.

“Vị trí này cách cửa khẩu Khánh Bình khoảng 7km và nằm ngoài địa bàn quản lí của Hải quan, tuy nhiên với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo 389 huyện An Phú, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình phối hợp cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Công an huyện An Phú tổ chức tuần tra, kiểm soát chốt chặn.

Mặc dù tình hình nhập lậu phế liệu có giảm, nhưng các đối tượng vẫn lén lút diễn ra vào ban đêm, khi lực lượng chức năng rút khỏi nơi chốt chặn hoặc dời điểm tuần tra” – ông Lý Việt Thái, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lí vi phạm Cục Hải quan An Giang, nói.

Nhiều vướng mắc trong ngăn chặn, xử lý

Nhìn nhận thẳng thắn về những khó khăn, hạn chế của lực lượng chống buôn lậu trước mặt hàng phế liệu, ông Nguyễn Ngọc Huynh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 huyện An Phú, chia sẻ: “Công tác phối hợp lực lượng, phương tiện trong công tác chống buôn lậu phế liệu hiệu quả chưa cao, còn thiếu, chưa đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ.

Tất cả phế liệu khi cập bến Việt Nam đều được hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng của các cơ sở thu mua phế liệu trong nước, nên cơ quan chức năng chỉ xử lí được khi bắt quả tang các phương tiện chở phế liệu đang từ bên kia biên giới sang”.

Một trong những mặt hạn chế cần phải được các cơ quan chức năng quan tâm và có giải pháp cụ thể đó là việc giám định tang vật là phế liệu. Xung quanh vấn đề này, Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phân tích, theo Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT ngày 14-9-2018 của Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, thì khi bắt giữ các vụ vận chuyển phế liệu nhập lậu phải tiến hành giám định. Tuy nhiên, các cơ quan giám định chỉ cấp Chứng thư giám định lô hàng đạt hay không đạt về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, lí do không đạt.

Trong trường hợp lô hàng không đạt về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong Chứng thư giám định không kết luận có chứa bao nhiêu kilogam chất thải nguy hại trong lô hàng đó. Từ đó dẫn đến căn cứ vào Chứng thư giám định cơ quan thụ lý giải quyết vụ việc không thể xác định có cấu thành “Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam” hay chỉ là hành vi vi phạm hành chính. Chưa hết, chi phí giám định tang vật là phế liệu còn cao hơn trị giá tang vật thu giữ.

Còn ông Lý Việt Thái, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và Xử lý vi phạm Cục Hải quan An Giang thì trăn trở, khi xử lí hình sự các đối tượng trực tiếp vận chuyển thì chỉ mới dừng lại ở “phần ngọn”, bởi các đối tượng đầu nậu không trực tiếp thực hiện mà chỉ đạo các đối tượng từ xa nên rất khó phát hiện, bắt giữ và xử lí. “Việc xử lý tang vật cũng là một khó khăn lớn.

Các phương tiện vận tải phế liệu có tải trọng rất lớn từ vài chục tấn đến trên trăm tấn… do đó khi phát hiện, bắt giữ, cơ quan chức năng phải thuê kho bãi chứa hàng, kiểm đếm bằng phương pháp thủ công, chạy đua với thời gian để kịp thời gian quy định” – ông Thái nói.

Theo Ban Chỉ đạo 389 huyện An Phú, tính từ tháng 10-2018 và đầu năm 2019, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý 16 vụ liên quan với 15 đối tượng có hành vi vận chuyển phế liệu nhập lậu. Tang vật gồm: 175.000kg giấy phế liệu, trên 96.000kg sắt phế liệu, trên 51.000kg nhựa phế liệu các loại, trị giá hàng hóa trên 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ ra quyết định khởi tố hình sự 3 vụ với 6 đối tượng; xử phạt hành chính 5 vụ, 7 đối tượng với tổng số tiền phạt 117 triệu đồng và ra quyết định tịch thu 5 vụ vắng chủ, các vụ việc còn lại đang điều tra xác minh, làm rõ.
V.Đức – T.Lĩnh
.
.
.