Bịt kẽ hở pháp lý, đẩy lùi buôn lậu ở vùng biên Lạng Sơn

Thứ Tư, 21/12/2016, 09:37
Thời gian qua, các “đầu nậu”, “mắt xích” tham gia đánh hàng lậu qua biên giới đã sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, nhất là lợi dụng một số kẽ hở pháp lý để “né”, gây khó khăn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục những tồn tại, qua đó đẩy lùi số vụ vi phạm.


Ngàn lẻ quái chiêu “né” luật

Thực tế cho thấy, hàng lậu lén lút tuồn từ biên giới vào nội địa đã khiến thị trường tiêu dùng trong nước theo đó bị lũng đoạn. Tại vùng biên Lạng Sơn – nơi tiềm ẩn các điểm “nóng” về tội phạm buôn lậu, thời gian qua, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý các vi phạm. Nhưng, theo Trung tá Ngô Tuấn Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Lạng Sơn, mặc dù tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán vận chuyển gia cầm nhập lậu trên địa bàn tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2015, nhưng hiện vẫn tiềm ẩn phức tạp.

Các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó lại cơ quan chức năng như: cắt cử “chim lợn” làm nhiệm vụ cảnh giới, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các đơn vị nghiệp vụ; thường xuyên thay đổi thời gian và địa bàn hoạt động; lợi dụng thời gian giao ca của các đơn vị chức năng, thời điểm đêm tối để vận chuyển hàng qua hệ thống đường mòn trên tuyến biên giới.

Pháo lậu bị Công an huyện Văn Lãng phát hiện, tạm giữ.

Đáng lưu ý, khi bị lực lượng chức năng ra quân xử lý quyết liệt, các đối tượng buôn lậu liền tìm cách vận chuyển hàng theo hệ thống đường vòng, đường tránh giáp biên khác. Trung tá Ngô Tuấn Cường dẫn chứng, nếu như các điểm thuộc đường mòn Gốc Bưởi, đường mòn 386 (xã Tân Mỹ - Văn Lãng); Khe Thớt, Cột Cờ, Thác Nước (Đồng Đăng – Cao Lộc) bị “đánh mạnh” thì các đối tượng liền chuyển hướng sang cung đường 474 (Tân Mỹ) hoặc một số đường mòn khác về thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, hay một số lối mở ở địa bàn huyện Lộc Bình.

Đúng như chia sẻ của đồng chí Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, 16h30 ngày 14-12 khi ghi nhận thực tế trên QL4A, đoạn tiếp giáp với lối dẫn vào đường mòn gốc Bưởi, Thác Ném (xã Tân Mỹ), chúng tôi chứng kiến hình ảnh một số đối tượng “chim lợn” làm nhiệm vụ cảnh giới, mắt dõi chặt theo di biến của Tổ công tác Công an huyện Văn Lãng và Trạm Kiểm soát Biên phòng Cốc Nam (Đồn Biên phòng Tân Thanh) đang tuần tra, đảm bảo ANTT ở đây. Thấy Tổ công tác vẫn bám trụ tại các vị trí, nên một số “cửu vạn” khoác trên lưng tấm nệm (phục vụ cho việc vác hàng qua đường biên) thở dài, và thẫn thờ ra về.

Qua thâm nhập thực tế, chúng tôi còn được hay, để hạn chế những “rủi ro” trong quá trình đánh hàng lậu vào nội địa, các “đầu nậu” gom hàng đã chia nhỏ lượng hàng hóa, thuê “cửu vạn” vác qua đường mòn biên giới. Sau khi vác hàng xuống gần khu vực một số nhà dân sinh sống, số “đầu nậu” này sẽ thuê “phi đội bay” dùng xe mô tô có gắn giá chở hàng, xe ôtô khách…vận chuyển vào nội địa.

Cùng với đó, các đối tượng “chim lợn” được trang bị bộ đàm trước đó sẽ chốt chặn tại các vị trí mà lực lượng chức năng có thể xuất hiện kiểm tra, xử lý để cảnh giới, cấp báo kịp thời cho “cửu vạn”, “phi đội bay” tẩu tán hàng.

Tung hỏa mù, hợp thức hóa hàng lậu

Là người nhiều năm gắn liền với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện vùng biên Văn Lãng nên Đại tá Dương Công Mạnh, Trưởng Công an huyện Văn Lãng khá hiểu thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu.

Một “cửu vạn” ra về khi thấy Tổ công tác Công an huyện Văn Lãng và Trạm Kiểm soát Biên phòng Cốc Nam tuần tra.

Đại tá Dương Công Mạnh cho hay, chỉ tính từ đầu năm 2016 tới nay, Công an huyện đã bắt giữ và xử lý 32 vụ buôn lậu, thu giữ hàng hóa với tổng trị giá lên đến 1,8 tỷ đồng. Trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này thấy nổi lên tình trạng, một số “đầu nậu” đã lợi dụng những kẽ hở pháp lý hiện hành để hợp thức hóa hàng lậu bằng hình thức viết hóa đơn khống, lưu thông hàng hóa, khiến công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.

Đồng quan điểm trên, Trung tá Ngô Tuấn Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, khi hàng lậu đã “tuồn” được vào nội địa, nhiều “đầu nậu” đã lợi dụng các quy định chưa chặt chẽ của Thông tư liên tịch số 64 của Bộ Tài chính – Bộ Công thương – Bộ Công an và Bộ Quốc phòng năm 2015 về quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để viết hóa đơn hợp thức số hàng hóa nhập lập, rồi vận chuyển về các tỉnh trong nội địa tiêu thụ.

Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế phân tích, sau khi đã hợp thức hóa số hàng lậu bằng hóa đơn (đã giảm giá trị thực của mặt hàng), “đầu nậu” sẽ bán cho người có nhu cầu. Lúc này, người mua hàng đã có hóa đơn kèm theo. Nên, trong quá trình vận chuyển hàng về xuôi, lực lượng chức năng có kiểm tra cũng không thể xử lý, tịch thu số hàng trên (hàng vốn nhập lậu trước đó) được, vì người mua đã có hóa đơn hợp lệ.

Và trong trường hợp, lực lượng chức năng có làm rõ được các “đầu nậu” khai khống hóa đơn, mua hàng không rõ nguồn gốc thì cũng chỉ xử lý hành chính chủ hàng với mức phạt không đủ sức răn đe theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà thôi. Vì trên thực tế, số hàng lậu có giá trị gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với mức phạt, trong khi đó theo quy định, lực lượng chức năng không thể tịch thu số hàng đã được hợp thức hóa bằng hóa đơn ở trên được.

Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế cũng hay, nhằm tạo điều kiện cho đời sống cư dân biên giới, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, theo đó, chủ thể mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới quy định tại Điều 11 Quyết định này được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2 triệu đồng/người/ngày/lượt và không quá 4 lượt/tháng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới do Bộ Công thương ban hành. Tuy nhiên, một số “đầu nậu” đã lợi dụng chính sách này để thu gom hàng dưới hình thức mua, thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng qua biên giới.

Rõ ràng, cùng với sự ra quân quyết liệt của các lực lượng chức năng, để kiềm chế hơn nữa tình trạng buôn lậu nơi vùng biên Lạng Sơn, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sớm khắc phục những kẽ hở pháp lý đang tồn tại có liên quan.

Để chủ động hơn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, Ban Chỉ đạo 389 đã đề ra một số nhiệm vụ, trong đó chỉ đạo các cơ quan chức năng (như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan…) chủ động phối hợp xử lý và tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các Bộ, Ngành liên quan có quy định và chế tài xử lý phù hợp đối với việc ghi giá hàng hóa rất thấp so với thị trường trong hóa đơn bán hàng để lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa nội địa…
Trần Huy
.
.
.