Nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng
Tại Nghị quyết này, Chính phủ khẳng định thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động, ảnh hưởng trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới, khu vực và nước ta.
Ở trong nước, tại một số địa phương vẫn còn trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; tiêu thụ sản phẩm nông sản ở một số địa phương vùng dịch gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: CTV) |
Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là kiên định tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từng thành viên Chính phủ nỗ lực hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; tập trung xử lý những nhiệm vụ quan trọng cấp bách; bảo đảm công khai, minh bạch, không để tồn đọng nhiệm vụ; chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của quý I và cả năm 2021.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư, trong đó chọn lọc, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, nhất là dòng vốn đầu tư dịch chuyển của các tập đoàn lớn, công nghệ cao trên thế giới và trong khu vực; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan đề xuất các giải pháp phát triển các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Phòng, chống dịch COVID-19 trên tinh thần “5K + vaccine”
Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyệt đối không được chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19; sát sao hơn nữa trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để đề xuất các giải pháp, đối sách hiệu quả, khả thi cả trong ngắn hạn, trung hạn, ứng phó kịp thời với tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực du lịch, vận tải, bán lẻ...
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 trên tinh thần “5K + vaccine”, thực hiện nghiêm việc cập nhật, đánh giá mức độ an toàn về dịch COVID-19 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú. Khi xuất hiện ổ dịch, cần truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh ổ dịch, xét nghiệm diện rộng, khẩn trương dập dịch; đề cao cảnh giác, nhất là những chủng virus mới có thể lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ Y tế khẩn trương triển khai tiêm vaccine cho người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Thông báo số 50-CV/TW ngày 19/2/2021 của Văn phòng Trung ương về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng “Đề án về bảo đảm nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2021.
Xây dựng chính sách hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; tiếp tục cơ cấu lại và xử lý hiệu quả nợ xấu trong hệ thống tín dụng, ngân hàng.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá tình hình thực hiện và tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách, biện pháp hỗ trợ hiện tại; nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là tại các tỉnh miền Trung và chuẩn bị điều kiện phòng, chống trong mùa bão, lũ sắp tới; phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với các địa phương đề xuất các chính sách, giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn lực đối với các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng kinh tế, nhất là các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh trọng điểm khác.
Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi để kịp thời đề xuất các chính sách thúc đẩy nền kinh tế trong nước, tăng trưởng xuất khẩu, bảo hộ công dân, bảo hộ dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Đề xuất giải pháp kích cầu du lịch trong nước
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động đề xuất các giải pháp kích cầu du lịch trong nước gắn với bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xúc tiến du lịch quốc tế khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát.
Bộ Công an chủ động bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong công tác truyền thông và triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…