Nợ đọng thuế đã ở mức không thể chấp nhận được

Thứ Bảy, 01/08/2015, 09:34
Ngày 31/7, Bộ Tài chính đã có thông tin chính thức tới báo chí về những “lùm xùm” xung quanh việc lần đầu tiên dùng biện pháp mạnh bêu tên doanh nghiệp (DN) để xử lý nợ thuế, ngành Thuế đã gặp phải một số sai sót, khiến nhiều DN bị oan. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tính hiệu quả của việc công khai danh tính này, khi một số DN, kể cả DN có và không có mặt trong danh sách, đã tự giác nộp thuế.
=> Trốn lậu thuế, nợ đọng thuế còn nghiêm trọng

10% tiền thuế bị doanh nghiệp chây ì không nộp

Theo số liệu mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cung cấp, thì 6 tháng đầu năm 2015, số tiền nợ đọng thuế tăng mạnh, lên đến 74 nghìn tỷ đồng. Con số này, so với yêu cầu quản lý, nợ chiếm 10% số DN phải nộp trong năm.

“Đây là tỷ lệ lớn, đã ở mức không thể chấp nhận được, trong đó có cả nguyên nhân từ phía DN, và cũng có nguyên nhân từ ngành thuế, do chưa tuân thủ đúng về cưỡng chế. Việc nợ thuế nhiều khiến cho môi trường kinh doanh không công bằng giữa DN chấp hành tốt và không tốt, làm ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, nên Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế phải thực hiện đầy đủ chặt chẽ nghiêm các quy định pháp luật về thuế, trong đó cưỡng chế và công khai tên DN.

Hơn 10 nghìn DN đang hoạt động nợ khoảng 74 nghìn tỷ đồng.

Hiện có khoảng 510 nghìn DN đang hoạt động, thì số DN nợ thuế chiếm gần 2%. 600 DN vừa được công bố là những DN có số lượng nợ tương đối lớn, nợ không liên quan tới khiếu nại đang yêu cầu giải quyết, và là nợ có khả năng thu, không phải DN phá sản hay ngừng sản xuất, đình trệ. Ngay sau khi công bố, một số DN đã phản hồi, chúng tôi đã cho kiểm tra, đối chiếu, phát hiện có sai sót do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bộ Tài chính đã chỉ đạo nếu đúng có sai sót, thì cục trưởng, hoặc chi cục trưởng phải xin lỗi bằng văn bản và gỡ tên DN bị oan khỏi danh sách.

Ngoài ra, có một số DN sau khi công khai đã tự giác nộp thuế thì chúng tôi yêu cầu các đơn vị điều chỉnh kịp thời”, ông Tuấn thông tin.

Trước câu hỏi khi ngành Thuế để xảy ra oan sai, DN chịu thiệt hại, liệu có xử lý cán bộ thuế mắc sai lầm hay không, ông Tuấn cho biết sẽ có đánh giá nguyên nhân - hậu quả, thông qua kết luận làm việc với các đơn vị thuế và DN. Nếu DN chứng minh được thiệt hại vì bị bêu tên oan sai, như không ký được hợp đồng, thì Bộ Tài chính sẽ xác định hậu quả và sẽ có giải pháp xử lý.

“Sau lần này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và có kế hoạch giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế rõ ràng, dự kiến trong quý 4 phải chuyển sang phương thức làm thường xuyên, định kỳ, đầy đủ chặt chẽ. Nghĩa là cơ quan thuế hằng tháng vào ngày 15 hoặc 16, sẽ công bố 3 danh sách, 1 là danh sách các DN nợ thuế đến ngày thứ 61, vì theo quy định, tới ngày 61, cơ quan thuế phải đôn đốc nhắc nhở DN thực hiện, đồng thời là cách để nghe phản ứng của DN về số nợ. 2 là phụ lục các DN nợ 91 ngày, tức là qua thời hạn mà chưa nộp, các cục trưởng căn cứ vào đây để thông báo trích tài khoản, phong tỏa. Và thứ 3 là danh mục 30 ngày sau trích tài khoản mà chưa nộp đủ, thì các cục thuế thông báo cho DN nợ 121 ngày, yêu cầu DN không được sử dụng hóa đơn trong kinh doanh”, ông Tuấn cho biết thêm.

Nhờ công bố, đòi được hơn 704 tỷ tiền nợ thuế

Thực tế cho thấy, việc công khai danh sách DN nợ đọng thuế là giải pháp đúng đắn. Đã có không ít các DN trong danh sách công khai nợ thuế, cũng như các DN nằm ngoài danh sách, sau khi việc công bố được thực hiện đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào ngân sách nhà nước hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất, nợ thuế.

Số liệu từ Cục Thuế Hà Nội cho biết; tính đến ngày 30-7-2015, sau khi công khai 268 đơn vị nợ thuế, đã có 136/268 đơn vị nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 704,783 tỷ đồng. Trong đó, có 25/38 dự án sau công khai nợ tiền sử dụng đất đã nộp 524,810 tỷ đồng; 111/230 DN sau công khai nợ tiền thuế đã nộp 179,973 tỷ đồng. “Trong hơn 740 tỷ đồng đã thu hồi được, có khoảng 50 tỷ là DN nộp theo lệnh cưỡng chế, còn đa số DN tự giác nộp. Bước đầu, đây là kết quả rất quan trọng”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Trên tinh thần hiệu quả của việc công khai DN nợ thuế, Cục Thuế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp công tác thuế năm 2015. Đối với nhóm giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng, đơn vị này sẽ có biện pháp thể hiện sự kiên quyết của cơ quan Thuế trong công tác quản lý nợ thuế: chỉ đạo các phòng quản lý, các chi cục thuế rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế, để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả, như động viên, thuyết phục DN có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế. Riêng đối với những trường hợp nợ thuế xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; những đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển, nhưng vẫn nợ thuế; các dự án được gia hạn, nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất; các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất… thì cơ quan Thuế kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.

“Chúng tôi sẽ có biện pháp thu nợ để DN vừa duy trì, phát triển được sản xuất, vừa có tiền nộp nợ thuế. Ngược lại, với những dự án quá hạn nợ tiền sử dụng đất, dù đã bán xong nhà, thu tiền, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn của DN đó không có giá trị sử dụng, để các bạn hàng được biết”, Cục Thuế Hà Nội cam kết.

Lệ Thúy
.
.
.