Trốn lậu thuế, nợ đọng thuế còn nghiêm trọng

Thứ Ba, 07/07/2015, 08:35
Tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thương mại, chuyển giá trong giai đoạn này còn diễn biến phức tạp, gây thất thu NSNN. Tổng số thuế phải nộp sau thanh tra của ngành Thuế là 21.936,49 tỷ đồng, hải quan là trên 172 tỷ đồng.

Trốn lậu thuế có xu hướng gia tăng, công tác quản lý còn lỏng lẻo, nhiều bất cập; văn bản hướng dẫn chậm; nợ đọng thuế còn cao và số nợ đọng khó đòi tăng đều qua các năm là những kết luận đáng chú ý mà Báo cáo giám sát về việc “chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và thu thuế giai đoạn 2011 - 2014” của Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề cập đến. 

Trong giai đoạn này, cơ quan thuế đã kiểm tra hơn 8 triệu hồ sơ khai thuế, thu thêm vào ngân sách (NSNN) hơn 4.118,75 tỷ đồng. Qua kiểm tra tại trụ sở 210.694 doanh nghiệp, số thuế phải nộp sau kiểm tra là 21.451,67 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng đã tiến hành 10.864 cuộc kiểm tra sau thông quan, truy thu trên 3.785 tỷ đồng. 

Qua thanh tra 30.107 doanh nghiệp, tổng số thuế phải nộp sau thanh tra là 21.936,49 tỷ đồng, trong đó truy thu 15.643,71 tỷ đồng, truy hoàn 648,37 tỷ đồng, phạt 5.644,39 tỷ đồng; điều chỉnh giảm số thuế còn được khấu trừ 1.476,45 tỷ đồng, giảm lỗ 34.196,79 tỷ đồng. Qua kiểm tra của ngành Hải quan cũng đã thu vào NSNN trên 172 tỷ đồng. 

Thanh tra chống chuyển giá tại 30 doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá, đã kiến nghị giảm lỗ trên 1.600 tỷ đồng, truy thu thuế thu nhập DN và xử phạt vi phạm trên 600 tỷ đồng.

Tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thương mại, chuyển giá trong giai đoạn này còn diễn biến phức tạp, gây thất thu NSNN. Tổng số thuế phải nộp sau thanh tra của ngành Thuế là 21.936,49 tỷ đồng, hải quan là trên 172 tỷ đồng. 

Kết quả kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của 32 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, 117 doanh nghiệp Nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; hồ sơ kê khai thuế của 1.467 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 34 địa phương năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước đã xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 2.867,9 tỷ đồng. Năm 2013, khoản này tăng thêm là 3.275,1 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Coca Cola rơi vào nghi vấn chuyển giá, nhưng rất ít doanh nghiệp bị phát hiện.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định: Sau khi thực hiện Luật Quản lý thuế cho phép người nộp thuế tự kê khai, tự tính, tự nộp, tự quyết toán thuế, tự in hóa đơn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thì tình trạng trốn lậu thuế có xu hướng gia tăng.

 Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục thành lập doanh nghiệp để trốn thuế, mua bán lại doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tiền thuế, sau đó giải thể, phá sản để thành lập doanh nghiệp mới mà chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Song thời gian gần đây, cơ quan quản lý thuế đã phân loại đối tượng được phép tự in hóa đơn đã khắc phục đáng kể tình trạng này.

Ngoài việc quản lý thu thuế còn nhiều bất cập, số nợ đọng thuế vẫn tăng nhanh qua các năm. Công tác xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế còn chậm, nhiều khoản thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi nhưng không đủ căn cứ pháp lý, hồ sơ để được xóa nợ thuế, dẫn đến việc các cơ quan quản lý thuế vẫn phải thực hiện theo dõi, làm tăng số nợ đọng thuế lũy kế lên cao qua các năm. 

Cụ thể, số nợ đọng do ngành Thuế quản lý năm 2011 là 35.117 tỷ đồng, chiếm 6,5%, thì năm 2013 đã tăng lên 69.342 tỷ đồng, chiếm 10,1%. Đặc biệt số nợ đọng khó thu hồi (nhóm đối tượng đã giải thể, phá sản, chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự...) liên tục tăng qua các năm, nợ khó thu năm 2013 so với năm 2012 tăng 56,5%. Công tác hoàn thuế còn sai sót, nhiều trường hợp lợi dụng cơ chế thông thoáng trong quản lý về quy trình, thủ tục để chiếm đoạt tiền hoàn thuế, có trường hợp cơ quan quản lý thuế ở địa phương sử dụng quỹ hoàn thuế GTGT để hoàn trả tiền thuế nộp thừa không đúng quy định, hoàn thuế sai quy định.

Việc thanh tra, kiểm tra các đối tượng nộp thuế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn do số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, trong khi nguồn lực còn hạn chế. Số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra còn chưa đảm bảo kế hoạch của ngành Thuế đề ra (chỉ đạt 89,83% nhiệm vụ kiểm tra; 88,19% kế hoạch thanh tra) dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa được kiểm tra, thanh tra qua nhiều năm, trong khi tình trạng trốn thuế, lậu thuế còn diễn biến phức tạp. Công tác thanh tra chống chuyển giá, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia chưa nhiều, dù tình trạng chuyển giá được nhận định là diễn ra khá nghiêm trọng.

Báo cáo giám sát này được thực hiện trên cơ sở đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; trực tiếp giám sát tại Ủy ban nhân dân 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 6 cục thuế, hải quan ở các địa phương và xem xét 10 báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Vũ Hân
.
.
.