Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng

Chủ Nhật, 21/04/2019, 06:41
Đây là thực tế không mấy sáng sủa trong bức tranh thu ngân sách của ngành Thuế quý I/2019, được Tổng cục Thuế báo cáo tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I và tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý thuế năm 2019.


Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cho biết, tổng thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý đạt 305.610 tỷ đồng, bằng 26,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, kết quả thu nội địa 3 tháng đầu năm nay đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với một số năm gần đây. Có 45/63 địa phương có tiến độ thực hiện thu đạt trên 25% dự toán, trong đó một số địa phương đạt cao như: Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Bắc Ninh, Bình Định, Đồng Tháp, Bình Thuận, Cà Mau...

Ngành thuế thu ngân sách quý I/2019 tăng 15,1% so với cùng kỳ.

Trong quý I, ngành thuế cũng đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, hiện đại hoá phương thức quản lý thu nộp NSNN. Tính đến cuối tháng 3-2019, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai rộng rãi tại 63/63 Cục Thuế và 100% số Chi cục Thuế trên cả nước với 703.392 doanh nghiệp (DN) tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,99% số DN đang hoạt động.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là tình trạng nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến 31-3-2019, số nợ đọng là 82.972 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019, tăng 8,7% (+6.644 tỷ đồng) so với thời điểm 31-12-2018; giảm 0,8% (-686 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018 (31-3-2018).

Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 45.332 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng số tiền thuế nợ thuế và nợ không còn khả năng thu là 37.640 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền thuế nợ thuế. Nợ đọng thuế tăng ở hầu hết các địa phương.

Nguyên nhân khách quan là do DN gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản và một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao và số nợ thuế của nhiều năm trước tồn đọng kéo dài không thu hồi được, số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên thì nguyên nhân chủ quan là do các DN kê khai thuế tháng 12-2018, quý IV/2018 và quyết toán thuế năm 2018 phát sinh thuế phải nộp nhưng chưa nộp kịp thời, đúng hạn vào NSNN.

Ngoài ra, qua kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 tại các địa phương, Kiểm toán nhà nước kiến nghị ghi tăng thêm số nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (3.440 tỷ) của các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, chưa đi vào khai thác sử dụng, cơ quan thuế đã kiến nghị UBND địa phương, Bộ Tài nguyên môi trường thu hồi đất, thu hồi dự án và Cục Thuế các địa phương chưa tổng hợp vào tổng số nợ đọng.

Hà Nội công khai 191 đơn vị nợ thuế, phí và các khoản thu về đất

Cục Thuế Hà Nội vừa công khai thông tin 191 đơn vị nợ thuế, phí và các khoản thu liên quan đến đất đợt tháng 4-2019, với số nợ hơn 3.382,7 tỷ đồng. Trong đó, có 183 doanh nghiệp (DN) nợ hơn 2.586 tỷ đồng thuế, phí; 5 DN nợ hơn 251,6 tỷ đồng tiền thuê đất và 3 chủ dự án nợ tiền sử dụng đất, với số tiền hơn 544,8 tỷ đồng.

Trong số 191 DN công bố thông tin, có 71 DN nợ gần 24,2 tỷ đồng thuế, phí được công khai lần đầu. Đứng đầu danh sách nợ thuế, phí là Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng TDC Hà Nội (MST: 0104552598), với số nợ tính đến ngày 28-2-2019 là hơn 2,8 tỷ đồng. Có 112 DN nợ hơn 2.562 tỷ đồng thuế, phí đã được công khai năm 2015, 2016, 2017 hoặc 2018, tuy nhiên số nợ vẫn còn lớn, do đó Cục Thuế Hà Nội tiếp tục công khai lại tại đợt tháng 4 năm 2019.

Đứng đầu danh sách này là Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long (MST: 0102093571) với số nợ tính đến ngày 28-2-2019 là hơn 360,5 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện công khai 4 đợt danh sách đơn vị nợ thuế, phí và các khoản thu liên quan đến đất. Kết quả sau khi đăng công khai, đã có 56 DN và dự án nộp hơn 8,7 tỷ đồng vào NSNN. (B.K)

Hà An
.
.
.