Siêu dự án trên sông Hồng: Những đòi hỏi vô lý đi ngược chủ trương

Thứ Bảy, 07/05/2016, 08:56
Sau khi Báo CAND đưa tin về siêu dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng, kèm theo việc xây dựng 6 bậc thang thủy điện, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng đến tự nhiên. 

Bên cạnh đó, theo thẩm định của các Bộ có liên quan, dự án này vốn không đảm bảo khả năng tự hoàn vốn.

Đó là lý do nhà đầu tư đã có kiến nghị rất nhiều ưu đãi, trong đó có cả việc bán điện giá cao, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ, để bù phí vận tải, phí duy tu, bảo dưỡng.

Không đảm bảo khả năng tự hoàn vốn

Góp ý về dự án, Bộ Tài chính cho rằng: theo hồ sơ, tổng mức đầu tư (bao gồm cả chi phí lãi vay) khoảng 24.510 tỷ đồng. Tuy nhiên, các yếu tố tính toán trong giai đoạn này mới chỉ mang tính sơ bộ, làm định hướng huy động nguồn; còn phụ thuộc vào việc xác định công nghệ, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, các điều kiện vay: chi phí vay vốn, lãi vay, thời gian vay vốn… Vì vậy, chủ đầu tư cần rà soát, chuẩn xác lại tổng mức đầu tư, tính toán lại hiệu quả kinh tế của dự án, trong đó lưu ý bổ sung nguồn thu từ việc đầu tư khai thác cảng và nguồn thu từ tận thu khai thác tài nguyên trong vùng phạm vi của dự án (vốn không được đề cập đến trong hồ sơ của chủ đầu tư).

Bên cạnh đó, với vốn chủ sở hữu là 30%, nhà đầu tư sẽ phải huy động khoảng 7.353 tỷ đồng, tương đối lớn so với vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng của công ty (theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 25-5-2015). Vì vậy, Bộ Tài chính cũng cho rằng, nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án.

Về sơ bộ rủi ro trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư cho rằng tuy có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng các yếu tố chính về nguồn thu từ bán điện, năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý đầu tư khai thác của nhà đầu tư có độ tin cậy cao nên bảo đảm tính khả thi cho dự án. Tuy vậy, mức giá bán điện mà chủ đầu tư đề nghị (giai đoạn 2021 – 2026 là 1.900 đồng/kWh và tăng dần trong các năm tiếp theo đến tối thiểu 2.970-3.560 đồng/kWh) được Bộ Tài chính cho rằng, có thể đặt nhà đầu tư trước rủi ro không bán được điện. Đây cũng có thể trở thành rủi ro tài chính của dự án, bởi việc đề xuất đó đi ngược với chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh của Chính phủ.

Chính Bộ Kế hoạch & Đầu tư khi thẩm định hồ sơ dự án cũng cho rằng, so với các nhà máy thủy điện đang vận hành, đề xuất giá điện của dự án là “cao”, phương án Chính phủ phải hỗ trợ giá bán điện cho nhà đầu tư không phù hợp với quy định về lộ trình phát triển thị trường điện (thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được triển khai vào giai đoạn 2017 – 2021, sẽ huy động điện từ thấp đến cao và ưu tiên nguồn điện giá rẻ).

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đề nghị nhà đầu tư phân tích tính khả thi của dự án trong trường hợp nhà nước không hỗ trợ giá điện.

Ngoài ưu đãi về giá điện, cũng do không đủ khả năng tự hoàn vốn, chủ đầu tư đã đề xuất rất nhiều ưu đãi như: miễn thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập DN tới thời điểm hoàn vốn. Bộ Tài chính cho rằng đề xuất như vậy là chưa phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.

Trường hợp Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, các cơ chế chính sách liên quan đến thuế sử dụng đất, tài nguyên dịch vụ môi trường rừng và thu nhập DN đề nghị thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Chủ đầu tư đang kiến nghị rất nhiều ưu đãi do dự án không có khả năng tự hoàn vốn. 

Cần thêm nhiều đánh giá khoa học

Bày tỏ quan điểm về các yếu tố kỹ thuật của dự án, Bộ Tài chính cũng cho rằng: Công trình thủy điện có yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu về an toàn nghiêm ngặt, do đó, việc kết hợp công trình thủy điện với các cảng giao thương cần đánh giá tác động qua lại, rủi ro, phương án giải quyết khi xảy ra sự cố.

Ngoài ra, theo bản đồ dự kiến xây dựng công trình đầu mối, một số đập nằm rất gần các cầu hiện có, cần đánh giá lại tác động địa chấn nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông trên các tuyến cầu. Đề nghị các bộ quản lý chuyên ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá cẩn trọng tác động của dự án đến môi trường sinh thái các vùng ảnh hưởng của dự án, các vấn đề tác động tới khả năng thoát lũ, sạt lở bờ sông, tác động đến chất lượng nguồn nước và cân bằng khu vực dự án và khu vực hạ lưu đồng bằng sông Hồng, an toàn của các công trình có liên quan và các vấn đề môi trường sinh thái khác.

Bộ Xây dựng lại cho rằng việc xây dựng đập dâng nước và âu tàu kết hợp nhà máy thủy điện có nhiều tác động đến môi trường, dòng chảy, hệ sinh thái bên bờ sông Hồng, ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi, tiêu thoát lũ… Vì vậy, cần đề ra các phương án giải quyết những phát sinh thực tế.

Theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình quy định khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa 2 đê phải đảm bảo không gian thoát lũ tương ứng với tần suất 0,2% và việc sử dụng bãi sông phải đảm bảo không gây cản lũ, không ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc bị nguy hiểm, tổn thất về người và tài sản khi có lũ lớn. Do vậy, Dự án cần có các giải pháp thiết kế phù hợp với các quy định này.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đều đề xuất cần bổ sung các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, đánh giá chi tiết tác động đến tài nguyên nước (chất lượng nước, biến đổi lòng dẫn…) trước khi xây dựng các công trình đầu mối; bổ sung, làm rõ tác động của dự án đến môi trường tự nhiên và kinh tế, xã hội trong vùng dự án; làm rõ tác động của dự án đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước, tác động đến mất cân bằng bùn cát vùng hạ du do lượng bùn cát giữ lại khi có công trình; tác động đến mất đất nông nghiệp, đất rừng, di dân tái định cư khi xây dựng…

Chưa quy hoạch dự án thủy điện nào trên sông Hồng

Tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6-5, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng khẳng định: Hiện chưa có bất kỳ dự án thủy điện nào trên sông Hồng nằm trong quy hoạch do Chính phủ hay Bộ Công Thương phê duyệt. Ông Quân cũng khẳng định đây là dự án nhỏ, có vai trò không đáng kể trong hệ thống điện.

Về quan điểm của Bộ Công Thương liên quan đến dự án này, ông Quân cho biết: “Đối với dự án giao thông thủy, việc cần thiết hay không cần thiết thuộc về trách nhiệm của Bộ GTVT và Bộ KH & ĐT, vì dự án này liên quan đến hạ tầng chứ không phải thủy điện. Khi đầu tư dự án có đập, có cột nước, nếu có thể phát điện thì có thể xem xét được. Nhưng 6 bậc mà được có hơn 200MW (228 MW) thì đây là dự án nhỏ, vai trò trong hệ thống điện không đáng kể”.

“Giả sử sau này, Thủ tướng cho phép làm, nếu có hiệu quả, giá bán điện hợp lý thì Bộ Công Thương cũng ủng hộ. Tất cả mới là đề xuất sơ bộ, chưa xem xét đến việc cột nước bao nhiêu, vận hành thế nào, bởi vì quy hoạch cũng chưa có. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở các vấn đề môi trường trên lòng hồ, di dân, tái định cư… Tất cả những việc đó đều phải nghiên cứu”.

Cũng tại cuộc họp báo này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định: “Không làm thủy điện bằng mọi giá, sau khi chúng ta đã phải trả giá về môi trường ở một số dự án. Cần hết sức lưu ý khi làm phải tính toán tác động môi trường”.

V.H.

Vũ Hân
.
.
.