Nhiều rào cản chính sách đất đai cản trở phát triển nông nghiệp

Thứ Sáu, 25/10/2019, 08:03
Thu nhập từ nông nghiệp hiện còn thấp, bình quân chung cả nước hiện mới đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm. Điều này khiến nông dân có xu hướng giảm diện tích đất sử dụng, người dân không thiết tha với sản xuất nông nghiệp...


Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa thu 2019 với chủ đề “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, do Liên minh Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 24-10, nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho thấy, năng suất sử dụng đất của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng 1/2 Philippines, thậm chí là 1/3 của Indonesia và Thái Lan.

Đáng chú ý, đóng góp của đất đai cho tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng số doanh nghiệp cả nước. Đặc biệt trong đó, có trên 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ với từ 10 – 50 lao động.

Năng suất sử dụng đất nông nghiệp của Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan, Indonesia.

Doanh thu bình quân của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ đạt 3,6 tỷ đồng/năm. Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán.

Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao dưới tác động của thị trường, công nghiệp, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Thu nhập từ nông nghiệp hiện còn thấp, bình quân chung cả nước hiện mới đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm. Điều này khiến nông dân có xu hướng giảm diện tích đất sử dụng, người dân không thiết tha với sản xuất nông nghiệp.

Một thống kê chỉ ra tỷ lệ bỏ hoang đất nông nghiệp đã tăng từ 1,7% (năm 2014) lên 3,8% (năm 2016); đồng thời diện tích sử dụng đất bình quân hộ giảm 0,9% trong giai đoạn 2014 - 2016. Để thúc đẩy tích tụ ruộng đất, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra khuyến nghị, cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã. Xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng dài hạn cho trang trại, hợp tác xã mua, thuê đất nông nghiệp.

Ông Vũ Trọng Khải, Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn khắc phục những vấn đề đã nảy sinh và đang tồn tại của các chính sách hiện hành, nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển nông nghiệp sang một giai đoạn mới, cao hơn cần phải dựa trên những tư duy kinh tế mới, với những khái niệm về thuật ngữ chính xác để có tư duy đúng đắn. Từ đó chúng ta mới có cơ sở khoa học để đánh giá, phát hiện vấn đề và nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục.

Theo ông Khải, đối với hình thức trang trại nhà nước, hay thường gọi là nông, lâm trường quốc doanh thì hình thức khoán hộ là phù hợp. Đây thực chất là tái lập trang trại gia đình trong lòng doanh nghiệp, phát huy được ưu thế của trang trại gia đình trong các khâu sản xuất mang tính sinh học và ưu thế của doanh nghiệp trong khâu dịch vụ đầu vào – đầu ra của kinh doanh nông nghiệp, vừa khắc phục được nhược điểm của trang trại gia đình có quy mô nhỏ và của doanh nghiệp có quy mô lớn, xóa bỏ được cấp quản lý trung gian.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hiện còn nhiều rào cản chính sách trong tập trung tích tụ đất nông nghiệp như: Mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác (2% thuế thu nhập cá nhân); doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp; hộ nhận chuyển nhượng đất lúa phải là hộ nông nghiệp…

Để dần tháo bỏ những rào cản này, ông Thắng đề xuất, bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay là mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến; quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa.

Ông Thắng cũng đề xuất khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm, công viên, trung tâm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã; xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân…

Trúc Linh
.
.
.