Nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Chủ Nhật, 30/06/2019, 08:57
Năm 2019 đã đi được một nửa chặng đường, nền kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.


Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới cũng đặt ra nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2019 trong việc làm như thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đây cũng là vấn đề được đưa ra tại cuộc họp báo do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 28-6, tại Hà Nội.

Nền kinh tế có chuyển biến tích cực

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm kinh tế trong nước (GDP) 6 tháng qua tăng 6,76% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng tăng cao hơn tốc độ cùng kỳ các năm từ 2011 đến năm 2017. Kết quả này cũng khẳng định hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ, các bộ, địa phương.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch năm 2019 và 02/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 ngay từ đầu năm (đều ban hành ngày 1-1-2019) đã phát huy tác dụng thực tế. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, hoạt động phát triển kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực.

Ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất 9 năm qua. ảnh minh hoạ

Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ và là mức tăng khá. Đặc biệt, kết quả này đáng ghi nhận vì đạt được trong bối cảnh nhịp độ giao thương quốc tế vẫn trong tình trạng trầm lắng, sức cầu giảm rõ rệt. Đến nay, có 22 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm.

Hàng hóa trong nước thâm nhập các thị trường thế giới. Đặc biệt, hiện Việt Nam vẫn chiếm vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với một số thị trường giàu tiềm năng như Mỹ, EU. Một thực tế thú vị là, riêng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đã đạt 2 tỷ USD, là bước đột phá mới cũng như hứa hẹn sẽ khai thác tốt hơn trên cơ sở phát huy tiềm năng của một nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới trong thời gian tới.

Một thành công nữa là kết quả kiềm chế lạm phát, với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 6 tháng chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ-là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Việc kiểm soát tốt lạm phát đã góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, ổn định xã hội cũng như bảo đảm sức mua của đại bộ phận người tiêu dùng.

Kiên trì thực hiện các giải pháp

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các chỉ số vĩ mô năm 2019, Chính phủ, các bộ, địa phương đang nỗ lực vào cuộc theo hướng đồng bộ; nhất là phát huy tối đa lợi thế, cơ hội cũng như chủ động khắc phục, hạn chế những vấn đề bất lợi. Trong đó, cần nhân lên sức mạnh và sự đóng góp của hoạt động xuất khẩu, với điểm nhấn là rau quả và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, xuất khẩu nông sản, thủy sản đang đạt kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn cần cảnh báo vấn đề chất lượng. Nếu không đáp ứng yêu cầu chất lượng, quy trình, yêu cầu rõ ràng về xuất xứ, cách thức khai thác, bảo quản, bao bì... của đối tác thì sản phẩm của ta vẫn khó tiếp cận thị trường quốc tế; nhất là xét trong bối cảnh chuẩn bị thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Theo Bộ KH&ĐT, cần kiên trì triển khai 6 nhóm giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng. Đó là, tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa, linh hoạt và chủ động kiểm soát lạm phát. Về vấn đề này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần cân nhắc việc tăng giá những sản phẩm dịch vụ thiết yếu, nhất là giá xăng dầu và giá điện sao cho hợp lý, tránh đột ngột. Hơn nữa, cần có cơ chế rà soát, giám sát về tính minh bạch để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như góp phần kiềm chế lạm phát.

Tiếp theo, tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi, khống chế sự lây lan. Bộ NN&PTNT đang khuyến cáo bà con tranh thủ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tìm cách thay thế thịt lợn. Ngoài ra, phát huy kết quả tốt trong xuất khẩu rau quả, đẩy mạnh sản xuất tại những địa phương có tiềm năng.

Tận dụng cơ hội do các FTAs mang lại, nhằm đa dạng hóa thị trường; đặc biệt là thúc đẩy khai thác thủy sản để xuất khẩu sang thị trường EU. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, để cạnh tranh được với các đối thủ ở thị trường EU thì doanh nghiệp Việt phải chú trọng vào chất lượng chứ không chỉ là bằng giá bán.

Tiếp theo, Chính phủ sẽ đôn đốc, yêu cầu tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc tại các dự án. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Việt Phong cho biết, thông thường mức giải ngân vốn đầu tư công thường chậm trong các tháng đầu năm nhưng sẽ tăng mạnh từ sau quý II đến hết năm. Ở đây, cần có sự chỉ đạo sát sao của cấp điều hành, nhất là quyết tâm từ phía các chủ dự án.

Chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hoạt động làm hàng xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ quan trọng và phụ thuộc rất nhiều vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do sản phẩm của ngành hàng này thường chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh này, đang có những dấu hiệu tích cực khi tốc độ tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,18% trong 6 tháng qua. Đặc biệt, hiện có tới hơn 88% doanh nghiệp nhận định kết quả kinh doanh quý III sẽ cao hơn quý II.

Cuối cùng là, theo dõi diễn biến thời tiết, phòng  chống hạn hán để hạn chế tối đa thiệt hại, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Lưu Hiệp
.
.
.