Nhiều doanh nghiệp Nhà nước tăng giá trị nghìn tỷ sau kiểm toán

Chủ Nhật, 08/04/2018, 02:01
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm “Kỹ năng kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề tài chính và tư vấn định giá trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH)”.


Tại đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2016, KTNN xác định giá trị các doanh nghiệp, đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Sang năm 2017, KTNN tiếp tục thực hiện tại 7 doanh nghiệp, kết quả cũng làm tăng vốn nhà nước hơn 8.000 tỷ đồng. Theo tính toán của ông Phớc, bình quân mỗi doanh nghiệp như vậy làm thất thoát trên 1 nghìn tỷ đồng, nếu không kiểm toán lại.

Theo kiểm toán Nhà nước năm 2016, qua kiểm toán 8 DNNN được các tổ chức tư vấn định giá xác định theo phương pháp tài sản, KTNN đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước hơn 8.454 tỷ đồng. Trong đó: Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Bình Sơn, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo báo cáo là hơn 40.342 tỷ đồng, tuy nhiên, sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.586 tỷ đồng; Công ty mẹ – Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng có con số báo cáo giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 31.500 tỷ đồng. Tuy vậy, con số trên sau kiểm toán lại lên tới hơn 33.500 tỷ đồng (chênh lệch trên 2.000 tỷ đồng);  Các doanh nghiệp còn lại cũng có mức chênh lệch lên tới hàng trăm tỷ đồng như: Công ty mẹ – Tổng Công ty Dầu Việt Nam (chênh 512 tỷ đồng), Công ty mẹ – Tập đoàn Cao su Việt Nam (chênh 440 tỷ đồng), Công ty mẹ – Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (chênh lệch 72 tỷ đồng)…

Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam từng được kiểm toán chỉ ra số tiền chênh trên 2.000 tỷ đồng.      Ảnh: minh họa

Tương tự, KTNN khu vực IV cũng đưa ra con số không hề nhỏ. Cụ thể, khi KTNN khu vực IV thực hiện kiểm toán xác định giá trị DN CPH của 3 tổng công ty gồm: TCT IDICO (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam), TCT Becamex (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp), TCT Thành Lễ, kết quả kiểm toán đã tăng giá trị vốn nhà nước tại các DN CPH lên 2.223 tỷ đồng. 

Đặc biệt, công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp tại TCT Becamex tăng giá trị DN và tăng giá trị vốn NN tại DN lên 1.333 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán TCT Becamex chủ yếu từ việc KTNN khu vực IV điều chỉnh giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn, do: Một là khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương, Đoàn kiểm toán đã căn cứ vào Quyết định phê duyệt giá trị DN của UBND tỉnh Bình Dương, Biên bản kiểm toán năm tài chính 2015 để điều chỉnh phần vốn đầu tư của Công ty mẹ (Becamex) tăng thêm 448 tỷ đồng. 

Hai là khoản đầu tư vào Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), đơn vị tư vấn ghi nhận giá trị khoản đầu tư theo báo cáo tài chính riêng. Tuy nhiên, VSIP lại là công ty mẹ có các khoản đầu tư vào các công ty con, do đó, Đoàn kiểm toán đã căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty VSIP để đánh giá lại khoản đầu tư của Becamex vào Công ty VSIP, tăng vốn nhà nước 837 tỷ đồng.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng: Cổ phần hóa DNNN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chủ trương này tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết 12 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XII “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”. 

Trong quá trình CPH, việc xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần là giai đoạn then chốt, làm tiền đề cho việc phê duyệt phương án CPH về sau. Trong những năm gần đây, môi trường pháp lý CPH DNNN nói chung, việc xác định giá trị DNNN nói riêng đã từng bước được xây dựng, hoàn thiện về cơ bản, tạo thuận lợi trong việc xác định giá trị doanh nghiệp. 

Nhưng trong thực tế, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp trước khi thực hiện CPH vẫn còn những bất cập, nhất là liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất hay lợi thế vị trí địa lý, giá trị thương hiệu, quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá và các quy định về xác định giá thị trường của tài sản. 

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp còn lúng túng, có lúc có nơi còn tùy tiện, sơ hở, làm thất thoát tài sản và vốn của Nhà nước. Cũng theo Tổng KTNN, thách thức hiện nay trong vấn đề thất thoát nguồn vốn doanh nghiệp là vấn đề lớn, đặt trách nhiệm lên vai của KTNN. 

Ngoài đánh giá những bất cập, tồn tại diễn ra trong quá trình CPH, thực trạng quá trình CPH, việc đánh giá được thực trạng doanh nghiệp, những tồn tại bất hợp lý để có những kiến nghị cho phù hợp, giúp cho Chính phủ và các ban, ngành thực hiện công tác CPH tốt nhất là một trong những nhiệm vụ của KTNN.

Đặng Nhật
.
.
.