Nhiều chủ tàu cá ở Bình Định “treo nợ” quá hạn hàng trăm tỷ đồng

Thứ Tư, 01/07/2020, 08:50
Bình Định là nơi có nhiều chủ tàu cá nợ vay chồng chất hàng trăm tỷ đồng do vấp phải khó khăn, không có khả năng chi trả.

Ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Bình Định là địa phương có nhiều ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá vỏ thép công suất lớn sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản. Thế nhưng đến nay Bình Định cũng là nơi có nhiều chủ tàu cá nợ vay chồng chất hàng trăm tỷ đồng do vấp phải khó khăn, không có khả năng chi trả.

Nhiều tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định phải “nằm bờ” để sửa chữa do hư hỏng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đến thời điểm này có 62 ngư dân ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn từ các ngân hàng thương mại với tổng số tiền 921 tỷ đồng để đầu tư đóng mới 48 tàu cá vỏ thép, 6 tàu cá vỏ gỗ, 8 tàu cá vỏ composite. Do nhiều nguyên nhân nên đến cuối tháng 3/2020 đã có 48 chủ tàu cá vỏ thép “treo nợ” vốn vay ngân hàng quá hạn với số tiền 266 tỷ đồng, trong đó có 126 tỷ đồng tiền gốc và 140 tỷ đồng tiền lãi.

Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ bất thành, một số ngân hàng đã phải khởi kiện ra tòa.

Gần đây nhất TAND TP Quy Nhơn đã thụ lý vụ án dân sự giữa nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với bị đơn là vợ chồng ngư dân Nguyễn Văn Lý, trú ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (Bình Định).

Theo đơn khởi kiện của BIDV, tháng 8/2015 vợ chồng ông Nguyễn Văn Lý ký kết hợp đồng vay vốn của BIDV để đầu tư đóng mới tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ -99004 TS, doanh nghiệp đảm trách thi công là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ở Nam Định. Hơn 4 năm sau đó, đến ngày 25/2/2020, tổng số dư nợ theo hợp đồng nói trên đã lên tới 16,4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 13,2 tỷ đồng, nợ lãi tạm tính hơn 3 tỷ đồng và phần còn lại là lãi trả chậm.

Lý giải nguyên nhân “treo nợ” vốn vay ngân hàng số tiền quá lớn, ông Nguyễn Văn Lý cho biết: “Sau khi Công ty TNHH Đại Nguyên Dương hạ thủy, chuyển giao tàu cá vỏ thép BĐ -99004 TS cuối năm 2016, tôi đã tổ chức vận hành ra khơi đánh bắt thủy sản. Do liên tục thua lỗ, thiết bị máy móc hư hỏng, vỏ tàu bong tróc, rỉ sét… Công ty TNHH Đại Nguyên Dương khắc phục sửa chữa sự cố đến tháng 3/2018 mới xong. Thế nhưng sau vài chuyến ra khơi sau đó, hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá BĐ-99004 TS tiếp tục thua lỗ, tình trạng hư hỏng thiết bị máy móc tái diễn, không mua được bảo hiểm. Tôi mong tòa án xét xử thu hồi tài sản thế chấp là tàu cá vỏ thép BĐ-99004 TS vì hoạt động không hiệu quả nhưng sẽ phát sinh tiền lãi tôi không có khả năng trả nợ”.

Tương tự, trong năm 2015 ông Trần Đình Sơn, trú ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ cũng ký kết hợp đồng tín dụng với BIDV để Công ty TNHH Nam Triệu ở Hải Phòng đóng mới tàu vỏ thép mang số hiệu  BĐ-99245 TS. Sau khi hạ thủy, vươn khơi đánh bắt hải sản tháng 12/2016, tàu cá BĐ-99004 TS liên tục hư hỏng phải “nằm bờ” để Công ty TNHH Nam Triệu khắc phục sửa chữa nhưng do thua lỗ liên tục nên mất khả năng trả nợ. Từ cuối năm 2019 đến nay, BIDV liên tục đòi nợ nhưng ông Sơn không có nguồn chi trả.

Theo UBND tỉnh Bình Định, nguyên nhân nhiều chủ tàu cá vỏ thép nợ vay ngân hàng quá hạn là do tàu hư hỏng phải sửa chữa dài ngày, hoạt động đánh bắt thủy sản không hiệu quả trong khi chi phí mỗi chuyến biển khá lớn, nhân công thiếu do thu nhập thấp, trong năm 2019 nhiều chủ tàu cá không mua được bảo hiểm do ngân hàng cho vay đóng tàu xác định giá trị tài sản cao nhưng doanh nghiệp bảo hiểm tính thấp nên tàu cá tạm dừng hoạt động. Ngoài ra có trường hợp hoạt động đánh bắt thủy sản có lãi nhưng chủ tàu cá thiếu thiện chí trả nợ, trong khi ngân hàng không quản lý được nguồn thu nhập của chủ tàu cá.

Giữa tháng 6/2020, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Bình Định chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các chi nhánh ngân hàng thương mại ở địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về xử lý thu hồi nợ vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014.

Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Bình Định phải phối hợp chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng tổ chức gặp gỡ, đối thoại các chủ tàu cá để tìm biện pháp giải quyết nợ vay và tháo gỡ những vướng mắc, tuyên truyền vận động các chủ tàu cá thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo cam kết trong hợp đồng tín dụng, khởi kiện những trường hợp cố tình “treo nợ” dây dưa.

Ông Nguyễn Trà Dương - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Bình Định cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu cá vỏ thép như cơ cấu nợ, cho vay vốn lưu động, đồng thời làm việc từng chủ tàu cá để xác định lộ trình trả nợ vay…

Hữu Toàn
.
.
.