Nhiều Bộ, ngành chưa quyết liệt tham gia Cơ chế một cửa quốc gia

Thứ Hai, 30/07/2018, 09:20
Ông Nguyễn Công Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng: Chính thức triển khai từ tháng 11-2014, nhưng đến nay mới có 53/251 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia là còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra…

Dù sức lan tỏa lớn, nhưng sau 4 năm triển khai, mới chỉ có 53/251 thủ tục hành chính được kết nối Cơ chế một cửa quốc  gia, trong khi từ nay đến cuối năm, phải kết nối thêm 143 thủ tục hành chính và đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Liệu muc tiêu này có khả thi?

Ông Nguyễn Công Bình- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có trao đổi với Báo CAND về vấn đề này.

PV: Được đánh giá có sức lan tỏa lớn, với nhiều thủ tục cải cách khiến doanh nghiệp “mừng rớt nước mắt”, lợi ích lớn song tiến độ thực hiện lại quá chậm, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Bình: Đúng vậy, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính. Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Bên cạnh lợi ích đối với doanh nghiệp, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các cơ quan nhà nước làm quen và dần chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ và có nhiều kinh nghiệm hơn trong đơn giản hóa, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần tăng cường tính  minh bạch, rõ ràng, giảm sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra, góp phần phòng, chống tham nhũng…

Tuy nhiên, chính thức triển khai từ tháng 11-2014, nhưng đến nay mới có 53/251 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia là còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.

PV: Hiện đã có bao nhiêu thủ tục của các lĩnh vực Bộ phụ trách tham gia cơ chế một cửa quốc gia?

Ông Nguyễn Công Bình: Tính đến ngày 15-7-2018, 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

PV: Nguyên nhân chậm vì đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Bình: Có nhiều nguyên nhân như một số loại hồ sơ, giấy tờ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc theo thông lệ quốc tế vẫn chưa được chấp nhận sử dụng dưới hình thức điện tử (ví dụ: vận tải đơn đường biển, phiếu tiêm chủng, hộ chiếu…), mặt khác việc tổ chức và giám sát thực hiện ở các cấp thừa hành còn chưa đồng bộ, chưa toàn diện và chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, tư duy yêu cầu cung cấp chứng từ, thông tin dư thừa vẫn còn tồn tại trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Thủ tục hành chính trong quản lý chuyên ngành chưa chuyển sang tự động hóa, mới chỉ dừng lại ở tin học hóa quy trình thủ công, chưa đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ chứng từ phải nộp/xuất trình một cách triệt để. Hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan chính phủ chưa đồng bộ nên vẫn xảy ra tình huống lỗi kỹ thuật trong quá trình truyền nhận dữ liệu giữa các bên…

PV: Theo kế hoạch, 5 tháng cuối năm, 143 thủ tục sẽ phải kết nối, gần gấp 3 khối lượng thực hiện trong 4 năm qua. Liệu mục tiêu này có đạt được?

Ông Nguyễn Công Bình: Từ nay đến cuối năm 2018, các Bộ, ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại. Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị mình và tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia...

Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa được triển khai quyết liệt. Ảnh minh họa: CTV.

Với vai trò là cơ quan thường trực, Tổng cục Hải quan luôn phối hợp chặt chẽ và làm cầu nối giữa các Bộ, ngành trong việc triển khai các mục tiêu đặt ra tại kế hoạch hành động cũng như có cơ chế giám sát triển khai và báo cáo Ủy ban chỉ đạo 1899.

PV: Theo ông, khả năng hoàn thành mục tiêu về Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đến 2020 như thế nào?

Ông Nguyễn Công Bình: Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu: “Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”. Đồng thời, “Đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử”.Về Cơ chế một cửa ASEAN, Chính phủ đặt mục tiêu: “Tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN.

Chúng tôi cho rằng mục tiêu nêu trên là rất to lớn và đầy thách thức nhưng chúng ta sẽ hoàn thành nếu có sự đồng tâm, đồng lòng từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các bên có liên quan. Hiện một số Bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Chúng tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp và các Bộ, ngành đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN.

Theo Điều 4, Luật Hải quan năm 2014, Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp. Còn cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường trong đó các Cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và tích hợp với nhau.

Lệ Thúy
.
.
.