Người trẻ khởi nghiệp: “Cô giáo Youtube”

Thứ Bảy, 26/08/2017, 08:15
“Ban đầu, em cũng không thích cách gọi này vì nó cứ sao sao ấy. Nhưng nay em rất yêu cách gọi này”, Phan Kiều Trang - Người đưa ra thông điệp “Vì một triệu người Việt Nam giỏi tiếng Anh” chia sẻ.

Nếu chỉ nói mà để đấy, chắc chắn cô gái trẻ - Người sáng lập Trung tâm Anh ngữ Elight chẳng thể nào được gọi bằng cái tên dễ thương này. Và cũng không phải vô cớ mà 600.000 người đã và đang thụ hưởng những bài học tiếng Anh sinh động trên môi trường mạng lại gọi cô bằng danh từ nhân xưng gắn với kênh có lượng người truy cập cực lớn youtube.

1. Tôi đã xem một vài video chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh và một số bài giảng của Kiều Trang. Tôi nhận thấy, cô gái này có sức hút kỳ lạ. Phải chăng là cô xinh xắn, duyên dáng, cách truyền thụ tốt?

Đến khi gặp mặt trực tiếp, tôi thấy tất cả các giả thiết trên đều đúng nhưng chưa đủ. Trang còn là một cô gái giàu nhiệt huyết và trách nhiệm. Cô nói về tiếng Anh say sưa và đầy chân thành. Có lẽ, sự chân thành này chính là yếu tố để Trang đang dần đi đến cái đích, giúp 1 triệu người Việt Nam học giỏi tiếng Anh.

Trang không phải con nhà nòi. Cô sinh ra và lớn lên ở huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Mặc dù thuộc thế hệ 9X nhưng cô không được tiếp xúc với tiếng Anh sớm. “Cũng bởi điều kiện thôi chị, em sống ở ngoại thành mà”, cô tâm sự. Có lẽ vì thế nên khi vào lớp 10, Trang vẫn chọn học khối A.

Mặc dù được học ở lớp chọn của trường nhưng cô bé luôn trong tình trạng “đánh vật” Toán, Lý, Hóa để luyện thi khối A. Cô học trò này luôn cảm thấy có cái gì bất ổn. Cô học Toán không xuất sắc, các môn Lý, Hóa thì trầy trật. Dẫu vậy, cô học trò nhỏ vẫn trụ được ở lớp chọn nhưng luôn mang tâm lý tự ti.

Kiều Trang (thứ tư từ phải sang) và các học viên.

Cơ duyên giúp Trang tìm đến “chân trời mới”, giúp cô hứng thú với việc học từ một sự tình cờ. Đó là khi nghe một chị khóa trên hát tiếng Anh. Mặc dù chẳng hiểu chị ấy hát gì nhưng ca từ, giai điệu của bài hát khiến cô thấy thích. Rồi vô tình, cô nữ sinh lại nghe bài hát này trên radio. Cô bé thấy yêu thích vô cùng thứ ngôn ngữ này và bắt đầu tìm hiểu về nó.

Thế nhưng, điều kiện lúc đó để Trang tiếp cận với tiếng Anh rất khó. Món quà là cái cassette mà bố mẹ tặng trong kỳ nghỉ hè là phương tiện để cô được nghe thứ ngôn ngữ mà mình yêu thích. Cô nghe ca nhạc, nghe thời sự... một cách say mê. Đến năm học lớp 11, Trang xin bố mẹ được chuyển qua học khối D. Bố mẹ quá bất ngờ trước quyết định này và cũng không tin lắm vào khả năng của cô con gái nhỏ nên đã yêu cầu, phải học cả hai khối A, D cho “chắc ăn”.

Ban đầu, Trang chấp hành khá nghiêm túc mệnh lệnh này nhưng đến năm lớp 12 thì cô “dứt áo” với khối A để tập trung học và thi khối D. Để thực hiện mong ước của mình, cô nữ sinh nhỏ bé đã một mình cần mẫn đi xe bus từ Sóc Sơn xuống nội thành để vào các trung tâm tiếng Anh luyện thi. Kết quả, cô đỗ vào Đại học Hà Nội (trước kia là Đại học Ngoại ngữ).

Thế nhưng, việc trở thành sinh viên một trường đại học hàng đầu của nước nhà về đào tạo ngoại ngữ lại khiến Trang thêm một lần nữa có cảm giác tự ti. Đó là khi cô chứng kiến các bạn cùng lớp nói tiếng Anh như gió, còn mình thì phát âm không chuẩn, diễn đạt không mạch lạc... Đã vậy, cô lại còn khá nhạy cảm trước ánh mắt chiếu cố của thầy cô với mình.

Hết học kỳ I năm thứ nhất, Trang tự hỏi, phải chăng mình chọn nhầm trường, nhầm nghề? Và khi trả lời được rồi, cô quyết tâm thay đổi. Cô tìm đến vài trung tâm tiếng Anh danh tiếng nhưng nhìn mức học phí, cô ngao ngán lắc đầu. Chẳng nhẽ đầu hàng? Cái tinh thần của cô nữ sinh trường huyện năm nào lại trỗi dậy. Trang tự học tiếng Anh. Cô tham khảo ý kiến các thầy cô cách học rồi tự mày mò. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ một thời gian ngắn sau, các bạn đều nhận xét cô nói tiếng Anh hay.

Nhận được những lời khích lệ này, Trang mạnh dạn đăng ký tham gia vào nhóm tình nguyện viên hướng dẫn một đoàn khách của Singapore khi họ đến Việt Nam. Hôm tuyển chọn, Trang đến trước cả tiếng và tham gia phỏng vấn. Kết quả, cô là 1 trong 4 người được chọn. Sau này cô được biết, mình được chọn không phải vì tiếng Anh siêu, mà vì tinh thần của cô khi tham gia chương trình này.

Trong các năm học tiếp theo, Trang liên tục có cơ hội tham gia các sự kiện quốc tế. Cơ hội học tập, tích lũy kinh nghiệm của cô tăng lên rất nhiều. Năm học thứ tư, Trang nhận được cơ hội sang Úc du học. Được sống, học tập ở đất nước có nền giáo dục tiên tiến là dịp để cô mở mang cho mình kiến thức, phương pháp học. Cô nhận ra, cách học tập chủ động của người Úc thật tuyệt vời.

Không chỉ vậy, người Úc còn rất hào hiệp khi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm học tập của mình cho cộng đồng, xã hội. Cô dần tiếp thu ở nền giáo dục này sự đề cao tính tự học, mỗi người tự khai phá bản thân và trách nhiệm trước cộng đồng. Kết thúc chương trình học tập ở xứ Kangaroo, Trang không ở lại đây làm việc dù có cơ hội. Về nước, Trang làm việc ở một công ty du lịch.

Lý do cô chọn ngành du lịch là bởi ước mơ từ thời thiếu nữ là quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Cũng thời gian này, khi về quê hoặc gặp người quen cô lại “bị” họ nhờ kèm cặp con em. Nể người thân, cô nhận dạy kèm vài trẻ nhỏ. Không ngờ, từ những buổi “gõ đầu trẻ” lại giúp cô phát hiện thêm một điều rất mới mẻ của bản thân – thích dạy học.

Rồi các Trung tâm tiếng Anh mời cô đi dạy. Thế là ngày đi làm ở công ty, tối Trang đi dạy tiếng Anh. Qua việc dạy học, cô phát hiện ra một số bất hợp lý ở những trung tâm tiếng Anh và đề nghị họ thay đổi. Thế nhưng, những bất đồng trong việc dạy và học tiếng Anh giữa cô giáo trẻ và các chủ trung tâm không được tháo gỡ. Trang bỏ dạy.

2. Có lẽ, chính bất đồng giữa cô giáo trẻ rất coi trọng phương pháp dạy và học tiếng Anh chủ động với các ông bà chủ của các trung tâm tiếng Anh coi nặng doanh thu là bước ngoặt quan trọng để Trang trở thành “cô giáo youtube”. Bởi ngay sau đó, cô đã mở lớp tiếng Anh tại căn hộ thuê của mình. Thấy học sinh tiến bộ, cô rất vui. Khi về quê, cô lại nhận được rất nhiều lời đề nghị dạy tiếng Anh. Nhưng cô nào đâu có tài phân thân?

Thế là cô dùng cái máy ảnh du lịch có tính năng camera tự quay các bài giảng của mình rồi đẩy lên youtube. Mục đích là để nhiều người cùng được học tiếng Anh từ cô mà không nhất thiết phải… ngồi trước mặt cô. Mục đích ban đầu đơn giản là thế. Và cứ đều đặn mỗi tuần, cô “đẩy” lên youtube 1-2 video.

Bất ngờ hơn nữa là chỉ sau 6 tháng, có mấy chục nghìn người theo dõi các bài giảng của cô trên youtube. Lúc này, cô liên tiếp nhận được các phản hồi từ người học trên mạng, họ đề nghị cô làm thêm các video về nhiều chủ đề khác nhau. Đáp lại sự ham học của cộng đồng mạng, Trang tiếp tục biến căn phòng nhỏ của mình thành … trường quay mà cô vừa là diễn viên, đạo diễn, người viết kịch bản.

Từ con số 0 đến số lượng 200.000 người theo dõi, Trang hoàn toàn tự mình làm các video bài giảng trên youtube. Khi con số người theo dõi lên đến 300.000 thì Trang cần người hỗ trợ. Hiện nay, số người theo dõi các bài youtube của Trang là 600.000 người; tổng view 1 triệu/tháng; trung bình mỗi ngày có 100.000 người ngồi trước màn hình máy tính để học các bài giảng do Trang và cộng sự thực hiện.

Nhắc đến những thầy cô khác của elight trên youtube, Trang cho biết họ đều là những người trẻ và cùng chí hướng với cô. Họ tìm đến cô với mong muốn được cống hiến cho cộng đồng kiến thức về cách dạy và học tiếng Anh mà mình có. Với đội ngũ các thầy cô đều “trai xinh, gái đẹp” và nhiệt huyết căng tràn, trang youtube của elight ngày càng thu hút đông đảo người học.

Đi dạy để có kinh nghiệm thực tế; làm video bài giảng tải lên youtube để thật nhiều, thật nhiều người đang khát tiếng Anh được học miễn phí; viết sách để những người ở vùng sâu, vùng xa - Nơi chưa có internet vẫn có cơ hội học tiếng Anh. Đó là cách mà Kiều Trang đã và đang cùng đội ngũ các cộng sự ở elight đang làm. Vậy nên, người học tiếng Anh tùy theo điều kiện, mức chi trả của mình để học với elight.

Từ mức phí 0 đồng (miễn phí trên youtube - số này chiếm đông đảo); đến các chương trình tiếng Anh trực tuyến có phí; và cả học offline tại Trung tâm Elight đặt ở địa chỉ duy nhất tại khu tập thể Nhà hát Chèo, Mai Dịch, Hà Nội.

“Nếu em đồng ý nhượng quyền thương hiệu Elight (chỉ ngồi nhà thu tiền bản quyền), thì bây giờ không chỉ ở Hà Nội mà còn nhiều tỉnh, thành có thể đã mọc lên vài chục Trung tâm tiếng Anh Elight. Em từ chối tất cả mọi lời đề nghị, vì làm giáo dục phải có mục đích vì người học, chứ không nặng vấn đề doanh thu”, Trang tâm sự.

Mặc dù rất đa dạng hình thức học, nhưng Trang vẫn chọn trọng tâm phát triển cho mình là tiếng Anh online. Cô quyết tâm xây dựng hệ sinh thái học tiếng Anh nhiều tiện ích nhất cho người học.

3. Trước khi quyết định toàn tâm toàn ý theo tiếng Anh, Trang phải cân nhắc rất nhiều. Cô đã từng nghĩ rằng, mình mới 22, 23 tuổi, nếu sai cô vẫn có thể làm lại mà. Cô dành tất cả vốn liếng để thuê nhà, thành lập Trung tâm tiếng Anh Elight. Cô dồn hết sức lực để xây dựng một hệ sinh thái tiếng Anh tốt nhất cho người học.

Và hiện nay, “cô giáo youtube” này đang dần bước những bước đi vững chắc để đến cái đích “Vì một triệu người Việt Nam giỏi tiếng Anh”.

Cao Hồng
.
.
.