Người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại trước... thực phẩm sạch

Thứ Hai, 10/04/2017, 09:32
Trước thực trạng thực phẩm bẩn đang bủa vây người tiêu dùng (NTD), xu hướng tiêu thụ thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ đang trở thành nhu cầu có thật và gia tăng của NTD. Tuy nhiên, trên thực tế việc cung – cầu vẫn còn nhiều bất cập...

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh ngành Công nghệ thông tin, anh Phạm Thế Tư (quê Hải Dương) không tìm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp mà anh nung nấu ý định về ngoại thành khởi nghiệp bằng nghề trồng rau sạch. Ước mơ làm rau sạch của Tư bắt đầu từ việc ở đâu cũng nghe người ta nói đến thực phẩm bẩn.

Thực hiện ý định, anh tìm về xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), thuê gần 3.000m2 đất và thực hiện hành trình rau sạch của mình. Chị Nguyễn Thị Đào (vợ anh Tư) cho biết: “Với tiêu chí sản xuất rau hữu cơ, chúng tôi đã lấy mẫu đất, mẫu nước đi kiểm nghiệm, kết quả âm tính với các kim loại nặng mới tiến hành sản xuất. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi không sử dụng thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc đánh trắng rau, không dùng thuốc làm mềm rau… và đây cũng là những cam kết với khách hàng”.

Mặc dù chi phí bỏ ra khá lớn (công chăm sóc, thuê lao động, phân hữu cơ...) nhưng để giá sản phẩm hữu cơ gần gũi hơn với NTD, hai người đã tính sát chi phí như: Cải bẹ xanh, cải bẹ trắng, cải ngọt (non) giá 50.000đ/kg, rau dền (non) 40.000đ/kg... Tuy nhiên, với giá này so với các loại rau thông thường thì giá lại quá cao nên khả năng tiêu thụ không bao nhiêu.

“Khó khăn nữa trong quá trình gieo trồng (thưa, dày) hoặc thời gian thu hoạch khác nhau thì sản phẩm cũng khác nhau. Vì thế khi giao hàng cho khách, thấy lá rau to, xanh hơn đợt trước, khách hàng không dám nhận, nghi ngờ lần này có bón phân hóa học hoặc dùng hóa chất làm đẹp rau, những đợt như vậy chúng tôi phải cố gắng giải thích để khách hàng hiểu”, chị Đào chia sẻ.

Khi hỏi về giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, chị Đào cho biết, sản phẩm hữu cơ là phải do các tổ chức quốc tế chứng nhận, trong khi đó các yêu cầu về thủ tục, chi phí... khắt khe, phức tạp nên chị gặp khó khăn trong vấn đề này.

Chị Nguyễn Thị Đào giới thiệu rau hữu cơ đến khách hàng.

Với sản phẩm gạo Jasmine 100 đạt tiêu chuẩn Viet GAP, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh – Saigon Co.op cũng đã phối hợp cùng các hộ nông dân của HTX Nông nghiệp Tân Tiến tỉnh Vĩnh Long để thực hiện với sự tham gia tư vấn đặc biệt của Giáo sư Võ Tòng Xuân. Đồng thời, đội ngũ cán bộ khuyến nông, Công ty Nông nghiệp GAP và các Viện Khoa học giám sát chặt chẽ từ khâu chọn giống, gieo trồng đến thu hoạch, đóng gói và bảo quản.

Sản phẩm gạo khi đưa ra thị trường đáp ứng các tiêu chí an toàn gồm: Không sử dụng phân hóa học, 100% phân bón hữu cơ chất lượng cao nhập khẩu từ Mỹ; không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phụ gia thực phẩm; không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng chất tạo mùi; truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Để nâng cao chất lượng bữa ăn gia đình, sau gạo Jasmine 100, Saigon Co.op sẽ sớm đưa vào phục vụ NTD các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế để NTD có thêm lựa chọn”.

Hiện, gạo Jasmine 100 có giá bán 58.000 đồng/2kg. Nếu so với các loại gạo thông thường thì giá của loại gạo này khá cao, nên không phải NTD nào cũng mua được. Tương tự, một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Gap, tiêu chuẩn hữu cơ (nông sản, thực phẩm, hóa mỹ phẩm) bán nhiều tại siêu thị nhưng sức mua không cao.

Trong khi các sản phẩm ViệtGap, hữu cơ được bán với giá khá cao, trong khi ngoài thị trường sản phẩm giả mạo đạt những tiêu chuẩn trên tràn ngập thị trường nhưng cơ quan chức năng buông lỏng việc kiểm soát. Ngoài ra, trong nước chưa có khung pháp lý quy định tiêu chuẩn rõ ràng nên không đơn vị nào đứng ra chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ.

Ngoài các nhóm hộ nông dân sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) cho các sản phẩm tiêu thụ trong nước, trên thị trường cũng hỗn loạn khi mạnh ai nấy làm và  mạnh ai nấy công bố. Việc này khiến NTD hoài nghi về chất lượng sản phẩm sạch, chất lượng cao cũng là điều dễ hiểu.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam xuất khẩu được vào những thị trường vô cùng khắt khe về chất lượng như Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Hàn Quốc, Nga, Singapore... và đạt giá trị cao, phần lớn sản phẩm hữu cơ do các tổ chức quốc tế chứng nhận. Vì vậy, việc phát triển sản xuất hữu cơ và được chứng nhận sẽ là bước đi của doanh nghiệp trong điều kiện thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường.

T.Hà
.
.
.