Nghịch lý ở thị trường vàng miếng SJC
- Vì sao vàng miếng SJC dậy sóng?
- Vàng miếng SJC liên tục lập kỷ lục giảm giá
- Kiểm soát giá vàng miếng có bị lơi lỏng?
Vàng miếng SJC giá cao vẫn nóng trong khi vàng nhẫn, vàng trang sức có tuổi tương tự lại tiêu thụ chậm. |
Cao điểm nhất, mức lợi nhuận của các DN kinh doanh đã được đẩy lên tới 900 ngàn đồng/lượng. Những ngày gần đây, có ngày mức chênh lệch mua vào bán ra ở mức 700 ngàn đồng/lượng, phổ biến là mức 400 – 500 ngàn đồng/lượng chỉ với lý do để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Tình trạng buôn bán kiểu bắt chẹt này đã khiến người có vàng miếng tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện xu hướng tự tìm mối mua bán; người muốn mua và người cần bán tự chắp nối với nhau để mua bán trực tiếp nhằm chia sẻ thiệt hại về mức giá chênh lệch khi bán cho các điểm kinh doanh vàng.
Ngoài cách trên, hiện tượng người có vàng SJC cần bán và người cần mua bằng cách này hay cách khác tự móc nối, liên hệ với nhau để giao dịch ngầm cũng đã xuất hiện ngay ở một số điểm kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố thời điểm chênh lệch giá vàng được đẩy lên cao để hưởng khoản chênh lệch giá. Trong lúc thị trường vàng miếng SJC liên tục nóng, giới kinh doanh mặt hàng này thu lợi cao, thì thị trường vàng nhẫn tròn có tuổi đạt 4 số 9 vẫn khá ảm đạm. Một đại diện Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn đá quý thành phố cho biết, tuy đã phải tốn phí gia công chế tác, giá bán cũng thấp hơn vàng miếng SJC tới vài triệu đồng mỗi lượng.
Theo con số được TS Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc VietNamGold đưa ra trước đây, thì trước khi được công nhận thương hiệu vàng Quốc gia, thị trường đã có khoảng 12 triệu lượng vàng miếng được dập, SJC chiếm chủ yếu trong số này. Sau đó, qua 76 phiên đấu thầu, lượng vàng miếng SJC được NHNN cho dập, bán ra đạt gần 1,82 triệu lượng. Trong khi đó, chỉ với hơn 40 đầu mối được cấp phép, chủ yếu là các ngân hàng, số DN được cấp phép kinh doanh mặt hàng này rất ít.
Mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng cũng mới đạt hơn 2.540 điểm giao dịch trên cả nước nên số lượng vàng miếng rất lớn đã lưu thông ra thị trường trên được coi là khá dồi dào. Đặc biệt, để giám sát chặt chẽ tình trạng găm giữ vàng, NHNN đã quy định các ngân hàng không được găm giữ vàng vượt quá 2% so với mức vốn tự có và khi vàng miếng tăng giá, người có vàng cũng sẽ tăng cường bán ra, điều này khiến thị trường hầu như không có tình trạng khan hiếm vàng miếng. Thực tế, những ngày giá vàng miếng SJC liên tục tăng vừa qua, lượng vàng của người dân đem bán ra luôn cao hơn số lượng người có nhu cầu mua vào tại các điểm kinh doanh vàng.
Theo một chuyên gia về vàng tại TP Hồ Chí Minh, số lượng đầu mối được cấp phép tuy nhiều, song cả tiềm lực kinh doanh mặt hàng này cũng như uy tín, thương hiệu và lượng khách giữa các đơn vị không đồng đều. Do đó, chỉ cần một vài đầu mối lớn niêm yết tăng giá bán, lập tức các đầu mối khác sẽ phải chạy đua theo. Giá vàng tăng cao, người có vàng đem bán cũng tăng lên, từ đó để hạn chế mua vào, các đầu mối đã dùng cách đẩy chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra cao gấp 5-7 lần thời điểm giá vàng bình thường.
Song hiện tượng thoải mái áp đặt mức chênh lệch giá mua - bán trên nếu không được NHNN can thiệp kịp thời, quyền lợi của người mua bán vàng sẽ khó được bảo vệ một cách tuyệt đối; thị trường vàng miếng SJC sẽ thêm rối do không thể kiểm soát giao dịch và dễ xuất hiện thị trường vàng ngầm, vàng giao dịch chợ đen như trước đây.