Ngập trong dự án thua lỗ, Vinachem muốn được “cứu” bằng hoãn nợ, giảm lãi

Chủ Nhật, 22/01/2017, 10:36
Chiếm đến 4 trong 12 đại dự án của ngành công thương ngập trong nợ nần, thua lỗ, Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét những giải pháp tháo gỡ như đề nghị các ngân hàng cho giãn nợ, giảm lãi vay... đồng thời phải tiếp tục cho vay vốn lưu động; áp thuế phòng vệ đối với sản phẩm nhập khẩu...

4 dự án của Vinachem đang ở thế tiến thoái lưỡng nan bao gồm: dự án đạm Ninh Bình, dự án đạm Hà Bắc, dự án DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai. Công ty Cổ phần DAP – Vinachem (chủ đầu tư của dự án DAP Đình Vũ) đã thua lỗ khoảng 470 tỷ đồng trong năm 2016, nợ vay đang ở mức 817 tỷ đồng. 

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng Giám đốc Công ty: Dự báo 2017, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng gần 30% so với cuối 2016. Cùng với đó là thị trường tiêu thụ trong nước giảm; chi phí tăng cao khi lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn. 

Các dự án khác của Vinachem đang trong tình trạng thua lỗ triền miên là Đạm Hà Bắc lỗ ước hơn 1.500 tỷ đồng sau 2 năm hoạt động; Đạm Ninh Bình trị giá 667 triệu USD lỗ 3.300 tỷ đồng từ 2013 đến năm 2016 và nếu tiếp tục dừng hoạt động trong năm 2017 sẽ lỗ thêm 1.200 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn, Vinachem đã chuyển tiền thay Công ty Đạm Ninh Bình trả ngân hàng khoản nợ gốc, lãi vay khoảng 1.460 tỷ đồng; nhiều lần hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho Đạm Ninh Bình là 150 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ như muối bỏ bể. Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã nhận định đạm Ninh Bình không có hiệu quả kinh tế.

Để “cứu” các dự án này, Vinachem đã kiến nghị hàng loạt ưu đãi. Cụ thể, với các khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam của các dự án Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP số 2 – Vinachem, Tập đoàn này đã đề nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng thành 20 năm; cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ tài trợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án. 

Dự án đạm Ninh Bình đã chính thức được Bộ Công thương công bố không có lợi ích kinh tế.

Ngoài ra, Vinachem cũng đề xuất điều chỉnh lãi suất tiền vay: Áp dụng mức lãi suất chỉ 3%/năm trong 5 năm từ 2017 đến 2021. Từ năm 2022 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất công bố của Bộ Tài chính (thời điểm hiện tại đang là 8,55%/năm). Nợ lãi chưa trả đến 31-12-2016 được trả dần trong 5 năm tiếp theo từ 2017 đến 2021.

Về các khoản vay thương mại của các đơn vị sản xuất phân đạm và phân DAP của Tập đoàn, Vinachem đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển nhóm nợ căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. 

Không chỉ thế, Tập đoàn này còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện vốn tại các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank... giảm lãi suất tiền vay về mức ưu đãi nhất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu lãi sau, không tính lãi quá hạn... 

Vinachem cũng đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân vốn vay đầu tư còn lại theo các hợp đồng tín dụng đã ký cho các dự án đã hoàn thành đầu tư để thanh quyết toán với các nhà thầu. 

Cụ thể, đạm Hà Bắc số tiền là 23 triệu USD, DAP số 2 Lào Cai số tiền 32 tỷ đồng; tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn động đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Về khoản cho vay lại của Bộ Tài chính cho dự án đạm Ninh Bình, Vinachem đề nghị Thủ tướng cho phép giãn trả nợ gốc thêm 5 năm, miễn trả lãi trong 3 năm – từ 2017 đến 2019. Vinachem còn đề nghị áp thuế phòng vệ đối với phân bón nhập khẩu và đưa phân bón vào diện hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng.

Được biết, Bộ Công Thương đã đồng ý cân nhắc các biện pháp phòng vệ thương mại, với điều kiện “phù hợp với cam kết quốc tế, với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết”. 

Với nhóm giảm lãi suất, hoãn trả nợ, tiếp tục vay vốn... đại diện Bộ Công Thương cho biết: “Nhà nước không thể can thiệp lãi suất bao nhiêu, đề nghị doanh nghiệp chủ động làm việc với các ngân hàng, Bộ Công Thương không thể yêu cầu ngân hàng này, ngân hàng kia giảm lãi suất hay giãn nợ”.

Nam Phương
.
.
.