Ngân sách thất thu vì tình trạng trốn và tránh thuế

Thứ Sáu, 01/05/2020, 12:31
Ngày 28-4, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam". Báo cáo cho thấy tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong tổng thu thuế có xu hướng giảm dần, từ 33,9% năm 2013 xuống còn khoảng 24,7% trong năm 2019, trong khi số DN đăng ký thành lập lại tăng rất nhanh trong giai đoạn này.

Số liệu thống kê cho thấy thuế TNDN chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu từ thuế, khoảng 23 – 34%. Tuy nhiên tỷ trọng khoản thu này đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nhóm chuyên gia VERP dẫn ví dụ từ kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước một số năm gần đây xác định số tiền phải nộp ngân sách Nhà nước tăng mạnh mỗi năm. Cụ thể, năm 2015 tăng thêm 11.365 tỷ đồng, năm 2016 19.109 tỷ đồng và năm 2017 là 19.858 tỷ đồng.

Đặc biệt, số thuế phải nộp thêm chủ yếu tập trung ở các tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Habeco, Sabeco…

Vấn nạn chuyển giá trốn thuế ngày càng phức tạp.

Thế nhưng thực tế cho thấy đối với thuế TNDN, người nộp thuế thường xác định thiếu hoặc không đúng doanh thu tính thuế TNDN, hạch toán vào chi phí các khoản chi phí không đúng quy định khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN bằng nhiều hình thức, kê khai các khoản miễn giảm thuế TNDN không đúng, chuyển giá hoặc kê khai mua bán lỗ, chậm nộp thuế, nợ thuế.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2010 – 2018, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế đã phát hiện có tổng số 642.423 DN vi phạm thuế TNDN với tổng số thuế TNDN thu về là 35.922,09 tỷ đồng và giảm lỗ là 185.002,2 tỷ đồng. Trong suốt giai đoạn này, số DN vi phạm tăng mạnh, từ 31.759 DN năm 2010 lên 103.211 DN năm 2017 và 95.936 DN năm 2018; lượng giảm lỗ tăng mạnh, từ 10.841,9 tỷ đồng năm 2010 lên 40.914,56 tỷ đồng năm 2018, góp phần làm tăng số thuế thu về cho NSNN từ 1.783,07 tỷ đồng năm 2010 lên 7.144,73 tỷ đồng.

“Điều này có thể một phần phản ánh năng lực quản lý thuế chưa hiệu quả và trách nhiệm tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế còn thấp, gây thất thu ngân sách”, VERP đánh giá.

Một vấn đề đáng chú ý nữa đó là tình trạng DN báo lỗ ngày càng tăng. Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam liên tục tăng trong giai đoạn 2010-2018. Song, mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DN FDI tăng đều qua các năm, nhưng tỷ lệ DN báo lỗ qua các năm tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Điều đó cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực DN FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.

Cùng với hiện tượng chuyển giá quốc tế, chuyển giá nội địa cũng ngày một phổ biến, gây thất thu ngân sách lớn và làm méo mó môi trường kinh doanh. Chuyển giá nội địa thường xảy ra ở những giao dịch liên kết giữa các công ty mẹ và công ty con thuộc các tổng công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước, giữa các DN FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau.

Chẳng hạn, trường hợp của Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) qua kiểm toán phát hiện DN này trốn thuế qua chuyển giá nội bộ. Cụ thể,  Sabeco gồm 2 nhà máy hạch toán phụ thuộc, các công ty con và công ty liên kết. Các đơn vị sản xuất bán sản phẩm bia Sài Gòn cho Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (công ty con 100% vốn của Tổng Công ty). Công ty này lại tiếp tục bán sản phẩm cho 10 công ty cổ phần thương mại khu vực có vốn góp từ 90–94,92%.

Các công ty thương mại khu vực sau đó bán tiếp sản phẩm cho đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3,... là các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập. Mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phức tạp này của Sabeco gây khó cho cơ quan thuế trong việc xác định giá ở mốc thời điểm chính xác trong chuỗi bán hàng của Sabeco để tính thuế.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước kết luận, theo quy định tại Thông tư 05/2012/TT–BTC, Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực – đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco chứ không phải giá bán của Sabeco ra Công ty Thương mại Sabeco. Theo đó, Sabeco phải nộp thêm vào ngân sách hơn 408 tỷ đồng.

Trước thực trạng này, để phòng và chống hành vi trốn và tránh thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực DN, đồng thời hướng tới một hệ thống ngân sách bền vững, các chuyên gia VERP cho rằng việc khống chế trần chi phí lãi vay 20% tại Nghị định 20 về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết là phù hợp. Bên cạnh đó, triển khai nghiên cứu thực hiện các quy định nhằm chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng đảm bảo cấu trúc tài chính lành mạnh của các DN và hệ thống ngân hàng trong dài hạn, hành vi vay nợ của các DN độc lập cũng cần được khống chế.

Quy định giới hạn về vay nợ phải bao phủ được mọi loại hình Nghị định 20 chỉ nên điều chỉnh hành vi vay nợ của các DN có giao dịch liên kết. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt, và nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ thuế cũng rất cần thiết nhằm đảm bảo việc tuân thủ thuế của các DN.

Hà An
.
.
.