Ngăn chặn nhiều vụ buôn lậu, hàng cấm trên biển

Chủ Nhật, 04/02/2018, 10:01
Tuyến biển phía Bắc những ngày này đang ráo riết vận chuyển những chuyến hàng lậu cuối cho thị trường Tết. Pháo nổ, thuốc lá, than, khoáng sản là hai mặt hàng được vận chuyển nhiều trên tuyến biển năm nay. 

Để ngăn chặn buôn lậu, buôn bán hàng cấm, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 (BTL Vùng CSB 1) đã tăng cường tuần tra, kiểm soát an toàn và an ninh trật tự trên biển.

Từng con sóng quất vào mặt lạnh buốt, tầu tuần tra của BTL Vùng CSB 1 lao vút ngoài khơi xa. Gió lạnh kèm theo sóng lớn làm con tàu lắc lư, chòng chành, đây cũng là hạn chế lớn cho việc quan sát và đuổi theo các tàu buôn lậu hoạt động ở ngoài khơi. 

Lợi dụng sóng to, đầu nậu chở hàng cấm không đi bằng tàu mà chạy bằng xuồng cao tốc, vào ven bờ. Khi đến khu vực biển Cẩm Phả (Quảng Ninh), chúng vội vàng bốc vác hàng từ xuồng lên bờ. Thấy tàu CSB 1 tới nơi, chúng vứt hàng và chạy lên 2 xe ôtô phóng đi. Tổ công tác thu được 1 xuồng máy công suất lớn (4 máy -250CV), bên trong chở 68.500 bao thuốc lá. Đây là vụ buôn lậu thuốc lá lớn nhất trên biển mà lực lượng CSB 1 bắt giữ thời gian qua.

Quản lý 10 tỉnh với tuyến biển dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Cồn Cỏ (Quảng Trị), BTL Vùng CSB 1 là đơn vị đã đấu tranh bắt giữ nhiều chuyên án trên biển, điển hình là hoạt động buôn lậu và tội phạm ma túy. 

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thiếu, Phó Tư lệnh BTL Vùng CSB 1 thì tình hình tội phạm trên biển diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép than, dầu, thuốc lá điếu, pháo nổ… 

Lực lượng Vùng CSB 1 kiểm đếm số thuốc lá “khủng” trong một lần bắt giữ trên biển.

Năm 2017, CSB 1 bắt giữ, xử lý 27 tầu vi phạm pháp luật có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Càng giáp Tết, hoạt động buôn lậu trên tuyến biển càng diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi, nếu không có nguồn tin chính xác, không huy động tổng lực người và phương tiện thì việc bắt giữ rất khó khăn.

Từ tháng 1-2018 đến cận Tết, hoạt động buôn lậu trên biển ngày càng manh động. Để kịp vận chuyển hàng hóa cung cấp cho thị trường Tết, ngoài liều lĩnh thì đầu nậu còn sử dụng hệ thống thiết bị hiện đại, cử người cảnh giới để đợi thời cơ xuất tầu. Phương thức quay vòng hóa đơn được sử dụng liên tục để hợp thức hóa hàng hóa đi trên biển, thông qua nhiều doanh nghiệp nhằm đối phó với cơ quan chức năng. 

Thời điểm này, hàng hóa tiêu dùng và thủy hải sản không đi trên tuyến biển, nhưng than, dầu, pháo, thuốc lá vẫn được chở trên những con tàu ngoài khơi. Đối tượng câu kết với tầu của nước ngoài, sử dụng tàu, thuyền không treo cờ quốc tịch, sử dụng tàu cá cải hoán thành tàu có các khoang chứa dầu mang biển số giả trong nước và của nước ngoài để mua bán, vận chuyển sang mạn trái phép xăng dầu trên biển.

Điển hình tại khu vực Cửa Rứa, giáp ranh biển Hải Phòng – Quảng Ninh, CSB 1 đã kiểm tra tàu QN-3268 phát hiện chở một lượng dầu “khủng”: 915.483 lít dầu DO không có giấy tờ hợp lệ. Chủ tàu đã bị xử phạt 38.850 nghìn đồng và số dầu trên sau khi bán tang vật thu được trên 9 tỷ đồng.

Do giá than tại Trung Quốc đang rẻ hơn than trong nước nên việc xuất lậu than đã không diễn ra sôi động như trước kia mà chuyển sang hình thức vận chuyển, mua bán than trái phép trên tuyến biển trong nước. Tại vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng, CSB 1 đã kiểm tra, tạm giữ tàu QN -7878 vận chuyển 2.701,77 tấn than cám 6b không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. 

CSB 1 đã ra quyết định xử phạt chủ tàu 61 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số than trên, tổ chức bán đấu giá được gần 1,9 tỷ đồng. Cũng nhờ công tác tăng cường tuần tra kiểm soát, CSB 1 phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng bắt giữ tàu NĐ-2388 chở 36 container than.

Điều tra mở rộng đã tạm giữ thêm 3 container than tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh), tổng số than bị thu giữ là 1.108,83 tấn. Tư lệnh CSB 1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 78,5 triệu đồng, tịch thu số than trên và bán đấu giá được gần 2,2 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Thiếu cho biết, từ nay đến trước và sau Tết, lực lượng CSB 1 tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống tội phạm trên tuyến biển cũng như tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. 

Đồng thời kiến nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh xăng dầu, khoáng sản, nhất là mặt hàng than. 

Xử lý nghiêm đối với hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh kháng sản trái phép, trốn thuế, tạo sự răn đe nhằm hạn chế việc vận chuyển, kinh doanh than, quặng trái phép.

Nguyễn Trần
.
.
.