(NGHỊCH LÝ) Ngân sách mất 1.200 tỷ mỗi năm để ngành đường sắt thu về 350 tỷ

Thứ Sáu, 10/06/2016, 08:17
Đây là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (ĐS), do Bộ Tài chính tổ chức.

Đường sắt ”ôm” 6000ha đất công, Ngân sách không thu được đồng nào

Việt Nam có kết cấu hạ tầng ĐS được xây dựng và đưa vào khai thác đến nay đã hơn 100 năm, với khoảng hơn 3.000km đường, 287 ga, 1.818 cầu lớn nhỏ, 39 hầm, 5.735 điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS và các công trình phụ trợ lớn; quỹ đất thuộc tài sản kết cấu hạ tầng ĐS trên 6.000ha.

Đây là khối tài sản nhà nước đặc biệt lớn, có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông ĐS và công tác quản lý kết cấu hạ tầng ĐS của nước ta còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, tính kết nối thấp, hiện đang bị coi là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê, hàng năm, ngành ĐS chỉ thu về được 350 tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước vẫn phải cấp bù khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện bảo trì… 

Cần huy động nguồn vốn lớn để hiện đại hóa hệ thống đường sắt. Ảnh: CTV.

Nguyên nhân đẩy ngành ĐS Việt Nam vào tình cảnh trên, theo bà Nguyễn Thị Thoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) là do trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng ĐS không những không được đầu tư phát triển mở rộng, mà còn bị thu hẹp do bị tháo gỡ một số tuyến.

Mặc dù là phương thức vận tải có rất nhiều lợi thế (chỉ đứng sau vận tải thuỷ) do có giá thành vận tải thấp, vận chuyển được hàng hóa có khối lượng lớn, an toàn..., nhưng năng lực vận tải hiện nay đạt rất thấp, chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa.

Trong khi đó, với tổng diện tích đất khá lớn trên 6.000ha, đây là một lợi thế cần có giải pháp để khai thác nguồn lực từ quỹ đất này phục vụ cho đầu tư phát triển hạ tầng ĐS. Tuy nhiên, thực tế sự phân bố và sử dụng quỹ đất này chưa đồng đều và hiệu quả, chưa có sự thống nhất về phân loại tài sản kết cấu hạ tầng ĐS, việc tách bạch mục đích sử dụng quỹ đất này lại chưa rõ ràng, dẫn đến áp dụng thu đối với từng loại tài sản hạ tầng chồng chéo, khó kiểm soát.

Hiện, trong 6.000 ha đất công được giao, quỹ đất công trình hạ tầng ĐS chiếm tới 90%. Quỹ đất sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết để tạo vốn phát triển ĐS chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,16%.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng với quỹ đất phục vụ mục đích công cộng, chỉ thu tiền đất sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh. Thế nhưng, do thiếu tách bạch giữa đất phục vụ hạ tầng và đất phục vụ kinh doanh, nên quỹ đất của ngành ĐS quản lý được bao cấp hoàn toàn.

Bên cạnh đó, cơ chế thu hút nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước để chia sẻ gánh nặng với Nhà nước về nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh.

Đường sắt cần 10 tỷ USD để bảo trì hạ tầng đến 2020.

Hiện tại nhu cầu vốn phục vụ bảo trì hạ tầng ĐS tính đến năm 2020 khoảng 10 tỷ USD; nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng ĐS mới theo Chiến lược phát triển đến năm 2030 đã được phê duyệt cần khoảng 100 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần thiết phải có giải pháp đủ mạnh, nhằm thu hút được nguồn lực đủ lớn, để đạt được mục tiêu phát triển hạ tầng ĐS mà Nhà nước đã đặt ra.

Xã hội hóa hạ tầng đường sắt

Trước thực trạng đó, các chuyên gia cho rằng cần xã hội hóa hạ tầng ĐS. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải khẩn trương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến giao thông ĐS; cũng như đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác hạ tầng hiện có, nhằm duy trì năng lực phục vụ hiện tại và kéo dài tuổi thọ của các công trình.

Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng ĐS được xây dựng với mục tiêu nhằm tách bạch rõ giữa quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp đã được quy định tại Luật ĐS năm 2005 (khắc phục các nhược điểm khi giao cho 1 đơn vị là Tổng công ty ĐS Việt Nam (VNRC) quản lý, sử dụng và kinh doanh khép kín nhưng không thực hiện nghĩa vụ về thuê đất với Nhà nước…) chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật đất đai.

Điểm mới của dự thảo là tách bạch quan hệ về tài sản giữa đại diện chủ sở hữu là nhà nước khi giao tài sản gắn liền với giao vốn cho doanh nghiệp, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp; giao tài sản của nhà nước không gắn với giao vốn, đại diện chủ sở hữu phần vốn và tài sản của Nhà nước có quyền định đoạt, quản lý điều hành tài sản, được quyền giao cho doanh nghiệp sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng ĐS.

“Lịch sử phát triển ngành ĐS của các quốc gia đã chỉ ra với trình độ phát triển và quy mô của nền kinh tế hiện nay của Việt Nam, Nhà nước cần tiếp tục là đại diện chủ sở hữu thực hiện các dự án đầu tư, cung cấp các dịch vụ vận tải ĐS và từng bước xây dựng cơ chế mở để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ xã hội”, bà Trần Thị Hồng Nga (Cục Quản lý Công sản) góp ý.

Theo ông David Bray - chuyên gia tư vấn quốc tế, hướng đi tương lai đối với VNRC đó là các công ty vận hành đoàn tàu cần đóng vai trò trung tâm trong ngành ĐS, chứ không phải là công ty hạ tầng; Công ty cổ phần Vận tải ĐS Hà Nội và Sài Gòn không nên làm công ty con của VNRC, và phải sở hữu tất cả các tài sản mà họ cần để cung cấp dịch vụ tàu hỏa; cần xây dựng các công ty cạnh tranh trên toàn quốc hoặc trong khu vực để hỗ trợ cho ngành đường sắt; số lượng các công ty con cần giảm mạnh, luôn sử dụng đấu thầu cạnh tranh trừ trường hợp sửa chữa cần thiết.

“Đối với việc quản lý tài sản của VNRC, cần triển khai một hệ thống quản lý tài sản chính thức để giảm thiểu chi phí duy trì các tài sản hiện tại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo cơ sở để lập kế hoạch đầu tư trong tương lai, thực tế có thể mất 10 năm để hoàn thành nhiệm vụ này”, ông David Bray nhận định.

Lệ Thúy
.
.
.