Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Chế tài xử phạt như gãi ngứa nên nhờn luật
Là địa phương có tổng đàn heo nhiều nhất cả nước, thời gian qua tại Đồng Nai nổi lên vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm thông qua việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta – Agonist trong các trang trại, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn.
Kết quả trong đợt kiểm tra mới đây, cơ quan chuyên trách đã phát hiện có 29/209 mẫu thịt heo được xác định dương tính với chất cấm Salbutamol, chiếm tỷ lệ gần 14%. Gần đây nhất, ngày 25-3 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai đã tiếp tục xử phạt hành chính 2 trang trại có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo với số tiền 15 triệu đồng mỗi nơi.
Điều đặc biệt chưa từng xảy ra trước đây là trang trại của ông Phạm Văn Cấp ở khu phố 7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu đã sử dụng chất cấm cho đàn heo nái khoảng 40 con, tức đàn heo con xuất chuồng từ đây sẽ bị ngậm chất cấm ngay từ khi còn nhỏ. Trang trại của ông Đào Đức Thành ở khu phố 2, phường Long Bình, TP Biên Hòa cũng chẳng kém cạnh khi đã có đến 400 con heo thịt được nuôi bằng chất cấm.
Trước đó trong tháng 1 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Biên Hòa cũng đã kiểm tra và phát hiện 3 trại heo với số lượng lên tới 1.500 con heo thịt sử dụng chất cấm Salbutamol gồm của hộ bà Lại Thị Vui tại khu phố 4, phường Trảng Dài và hộ ông Nguyễn Bá Hiệp tại ấp Thiên Bình, xã Tam Phước, TP Biên Hòa và bà Nguyễn Thị Lan ở khu phố 7 phường Long Bình.
Giết mổ không đảm bảo vệ sinh tại một lò mổ lậu. |
Tuy nhiên, cũng giống như các trường hợp sử dụng chất cấm bị phát hiện khác, các chủ trại heo này cũng chỉ bị xử phạt với số tiền vẻn vẹn 15 triệu đồng, buộc giữ đàn heo lại đủ số ngày để đàn heo đào thải, giảm hàm lượng chất cấm xuống mức cho phép là phải cho xuất bán. Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận vi phạm mang lại, vì thế người nuôi heo vẫn lén lút sử dụng và sẵn sàng nộp phạt khi bị phát hiện.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, sau thời gian kiểm tra xử phạt, Chi cục nhận thấy tính khả thi không cao nên tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Chính phủ tăng mức xử phạt các trang trại có sử dụng chất cấm lên 50-70 triệu đồng và trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy tố hình sự.
Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cần phải có hình thức quản lý chặt chẽ từ việc nhập và phân phối bán lẻ các loại chất cấm này. Bởi theo ông Quang, một người dân mua loại chất cấm này trên thị trường không khó.
Nếu cần số lượng lớn họ cử nhiều người trong gia đình ra mua nhiều lần để tránh sự nghi ngờ của lực lượng chức năng cũng như người bán. Phía người bán loại thuốc thuộc danh mục chất cấm trong chăn nuôi cũng thu lợi nhuận cao nên hễ cứ có người mua là bán và bằng mọi cách để nhập được loại hàng này.
Tại nhiều chợ trên địa bàn Đồng Nai, đặc biệt là chợ tự phát thịt gia súc không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan và công khai. Chẳng hạn ở 2 phường là Long Bình và Trảng Dài, TP Biên Hòa đã có hàng trăm điểm bán thịt heo chưa qua kiểm dịch được vô tư bày bán ngay lề đường, có nơi còn vừa mổ heo vừa xắt thịt ra bán. Với những biển hiệu và lời mời chào nghe khá kêu như “heo sốt” “heo mổ chiều” hấp dẫn nên người tiêu dùng, nhất là công nhân lao động đến mua rất đông.
Theo lãnh đạo UBND phường Long Bình và Trảng Dài, địa phương chỉ thực hiện được việc dẹp tình trạng lấn chiếm lòng lề đường chứ tịch thu và xử phạt những điểm kinh doanh thịt heo này lại không thuộc thẩm quyền nhất là về chuyên môn kiểm dịch thú y.
Về vấn đề này Trạm thú y Biên Hòa cho rằng lực lượng thú y quá mỏng vừa phân công trực kiểm tra tại các lò mổ vào ban đêm, vừa tham gia kiểm tra tại các chợ truyền thống trong ngày nên không thể đi hết được những điểm chợ tự phát.
Hơn thế, để bắt và tịch thu, tiêu hủy thịt không rõ nguồn gốc bày bán này, một mình lực lượng thú y cũng khó thực hiện mà cần phải có sự hỗ trợ của lực lượng Công an và các đơn vị địa phương.
Những đợt phối hợp ra quân cũng chỉ được mấy ngày rồi đâu lại vào đó. Việc ngăn chặn từ gốc là các lò mổ lậu cũng như bắt cóc bỏ đĩa vì chủ cơ sở tìm cách đối phó rất tinh vi với lực lượng chức năng như luôn kín cổng cao tường, mổ con nào chuyển đi con đó, nhờ người canh gác cơ quan chức năng từ xa…
Theo Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Phạm Anh Dũng, nguyên nhân chính vẫn là mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe nên các chủ lò mổ lậu vẫn lén lút, thậm chí bất chấp quy định pháp luật để hoạt động.