Chuyện người quản lý:

Cứu doanh nghiệp đúng địa chỉ

Thứ Năm, 12/04/2012, 23:50
việc giải quyết nợ phải có chọn lọc và đúng địa chỉ; hoàn toàn không thể thực hiện với DN không còn đủ thực lực để có thể “hồi sinh” hay DN “vung tay quá trán”, kinh doanh trên những lĩnh vực mình không có chuyên nghiệp, thấy người ta làm cũng nhảy vào làm một cách thiếu bài bản.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong 3 tháng đầu năm 2012, cả nước đã có 2.200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Đáng chú ý là với sức mua giảm, hàng tồn kho ngày càng nhiều và đặc biệt là đà giảm lãi suất chậm như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Trước tình trạng khó khăn của nền kinh tế nói chung, cộng đồng DN nói riêng, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Chính phủ cần có phương án cứu DN, song cần có sự chọn lọc và phải cứu đúng địa chỉ.

Về phương án thứ nhất, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, vốn được xem là “máu” của DN. Trong điều kiện năng lực tài chính của DN đang bị suy giảm mạnh, DN muốn tồn tại và phát triển được thì cần phải được tiếp “máu” một cách kịp thời bằng cách khai thông các nguồn vốn hiện có, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân hàng (NH).

Để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý thì các NH một mặt cần phải kết hợp nhiều sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho DN, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay. Mặt khác, nên đào tạo cán bộ để nâng cao khả năng thẩm định năng lực hoạt động của DN, để mở rộng cho DN vay vốn khi không có tài sản bảo đảm, đổi mới quy trình cho vay nhưng vẫn đảm bảo các cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, NH cũng có thể xem xét cơ cấu lại nợ, giãn nợ, ưu đãi tín dụng cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa có số lượng hàng tồn kho nhiều, DN sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu những DN này chứng minh được các nguồn thu để trả nợ NH.

Về phương án thứ hai, các chuyên gia kinh tế đề xuất Chính phủ cần quan tâm hơn đến chính sách tài khóa. Đó là xem xét để có thể giảm thuế doanh nghiệp từ mức 25% xuống 20%, miễn hoặc giảm đáng kể các loại thuế khác như các loại thuế nhập khẩu thay vì "hoãn nộp thuế"; tránh không áp dụng tùy tiện các loại phí, gây ra tình trạng "loạn phí", ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin xã hội, tạo thêm gánh nặng cho DN.

Đồng thời, phải có phương thức và lộ trình tích cực để hạ nhanh lãi suất chứ không thể theo lộ trình tuần tự chậm chạp (mỗi quý giảm 1% lãi suất), vừa không cứu được DN, vừa gây ra những kỳ vọng không phù hợp về lãi suất, dẫn đến chỗ lựa chọn hành động gây méo mó, làm chệch mục tiêu chính sách là cứu DN trên nền tảng kiềm chế lạm phát.

Phương án thứ ba, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ có thể mua lại nợ của một số DN. Đây cũng là phương án đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Song việc giải quyết nợ phải có chọn lọc và đúng địa chỉ; hoàn toàn không thể thực hiện với DN không còn đủ thực lực để có thể “hồi sinh” hay DN “vung tay quá trán”, kinh doanh trên những lĩnh vực mình không có chuyên nghiệp, thấy người ta làm cũng nhảy vào làm một cách thiếu bài bản

Huyền Thanh
.
.
.