Mạnh tay xử lý hàng giả

Thứ Hai, 28/11/2016, 08:17
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì ngoài việc các cơ quan chức năng cần tập trung bắt giữ, xử lý việc buôn bán hàng lậu, hàng giả ngay từ biên giới thì người tiêu dùng cần phải nói "không" với hàng nhái, hàng giả.


Làm việc với các lực lượng chống buôn lậu ở biên giới Quảng Ninh, chúng tôi được biết, hiện có nhiều đối tượng người Việt Nam sang Trung Quốc đặt sản xuất hàng giả, hàng nhái mang thương hiệu Việt để đưa về nước tiêu thụ. Ngoài bao bì, nhãn mác, các đối tượng này còn đặt cả tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự Việt Nam ngay tại Trung Quốc để tuồn về.

Do vậy, người tiêu dùng khó phát hiện hàng nhái, giả mà vẫn đinh ninh đó là hàng trong nước sản xuất. Điển hình là các mặt hàng: bia, rượu, bánh kẹo, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, đồ dùng gia dụng…

Nguy hiểm nhất là các mặt hàng thực phẩm, thuốc chữa bệnh bởi đây đều là những thứ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Hàng giả, hàng nhái sẽ bằng mọi con đường vận chuyển lậu vào nội đia và tung ra thị trường. Người tiêu dùng là người hứng chịu mọi hậu quả do hàng giả, hàng nhái gây ra.

Theo Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh thì trong 11 tháng đầu năm 2016, các Đội QLTT khu vực miền Đông đã kiểm tra, phát hiện 215 vụ vi phạm vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, tương đương hàng thật khoảng gần 1 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy hàng giả thu giữ được. Ảnh minh họa: Hoàng Thái.

Số hàng giả, hàng cấm đó chủ yếu là của các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Casio, iPhone, đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, thuốc lá điếu nhập lậu và một số mặt hàng cấm khác, trong đó có rượu nếp Hà Nội giả, một mặt hàng phổ biến và có thương hiệu nhiều năm nay. Đặc biệt, đánh vào tâm lý “sính” tìm các loại thuốc hỗ trợ sinh lý cho phái mạnh, các đối tượng đã không ngừng buôn lậu các mặt hàng thuốc này vào trong nước, đặc biệt trong số đó nhiều loại nghi là hàng giả, hàng nhái.

Ngày 17-11, Đội Kiểm soát chống buôn lậu thuộc Trạm Kiểm soát liên hợp km15 – Bến tàu Dân Tiến (TP Móng Cái) phát hiện, bắt giữ 60 hộp thuốc bổ thận, tráng dương nhập lậu có tên Cung đình Thần đơn do Trung Quốc sản xuất đựng trong thùng carton.

Trước đó, Tổ công tác của Đội Kiểm soát chống buôn lậu ở đây cũng đã phát hiện, tạm giữ 108 lọ thuốc bổ thận tráng dương YILIHEN, loại 1.800mg x 8viên/lọ; 768 lọ bổ thận dạng viên con nhộng màu vàng, bên ngoài dán nhãn mác chữ Trung Quốc, loại 10 viên/lọ và 1.450 lọ thuốc dạng viên con nhộng màu vàng, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, loại 10 viên/lọ.

Thậm chí, táo tợn hơn, hàng giả còn được mang vào hội chợ để bán, nơi mà người tiêu dùng đặt niềm tin vào đơn vị tổ chức đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt. Tại Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế doanh nhân trẻ Quảng Ninh năm 2016 tổ chức vào ngày 30-10 vừa qua, người tiêu dùng đã phát hiện ở hội chợ bày bán nhiều sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu.

Sau khi kiểm tra, lực lượng QLTT TP Hạ Long đã phát hiện quầy kinh doanh đồ điện gia dụng do Bùi Duy Chiến, trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang bày bán 59 mặt hàng gồm máy sấy tóc, ấm đun nước siêu tốc, nồi cơm điện giả nhãn hiệu Panasonic.

Quầy hàng giày dép do Đỗ Văn Thủy, trú tại Giao Thủy, tỉnh Nam Định, làm chủ kinh doanh 56 đôi dép trẻ em có dấu hiệu giả nhãn hiệu  Chanel và quầy của Ứng Hồng Sơn, trú tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long kinh doanh 200 đôi giày giả nhãn hiệu Adidas. Đội QLTT TP Hạ Long và Ban Quản lý hội chợ đã đình chỉ, đóng cửa và tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm của 3 gian hàng này.

QLTT tỉnh Quảng Ninh tiêu hủy rượu nếp Hà Nội giả.

Hà Nội đã xây dựng thí điểm tuyến phố kinh doanh không hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại quận Hoàn Kiếm nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều mặt hàng bán ở đây là hàng nhái của thương hiệu nổi tiếng. Nói thế để thấy, ngay đến tuyến phố thí điểm còn vi phạm thì trên thị trường Hà Nội hiện bày bán rất nhiều mặt hàng nhái thương hiệu, đặc biệt là thời trang, mỹ phẩm, túi xách, hàng gia dụng thì vi phạm nhiều đến thế nào.

Theo Chi cục QLTT Hà Nội, 10 tháng đầu năm 2016, đơn vị xử lý 674 vụ gian lận thương mại và hàng giả với tổng tiền phạt gần 4,2 tỷ đồng. So với thị trường rộng lớn của Hà Nội và tình trạng kinh doanh hàng hóa nhái nhãn mác nhiều như hiện nay thì con số xử lý trên vẫn còn khiêm tốn.

Hàng giả, hàng nhái đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại khi sức khỏe của con người đang bị đánh cược vào chính những đồ dùng, thực phẩm mà chúng ta đang sử dụng hằng ngày.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì ngoài việc các cơ quan chức năng cần tập trung bắt giữ, xử lý việc buôn bán hàng lậu, hàng giả ngay từ biên giới và thắt chặt kiểm tra, kiểm soát trong nội địa thì một bộ phận người tiêu dùng vẫn đang tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả.

Để hàng nhái, hàng giả không còn đất sống, những đồ dùng chúng ta nhận biết được đó là giả, là nhái thì phải tuyệt đối nói “không”. Không mua bán, không sử dụng là chúng ta đang giúp đẩy lùi hàng nhái, hàng giả ra khỏi đời sống.

Hương Hằng
.
.
.