Lo ngại tăng giá dây chuyền do giá USD cao

Thứ Năm, 24/09/2015, 08:15
Trước tỷ giá USD tăng cao, một hãng xe hơi đã dự tính từ 1/10 tới, giá bán lẻ các dòng xe hơi của hãng này sẽ đồng loạt tăng khoảng 4% so với hiện hành. 

Giá USD tăng hơn 1 ngàn đồng so với cách đây 3 tháng và giữ ở mức này trong thời gian dài khiến giá thành các mặt hàng được sản xuất trong nước có nguồn gốc từ việc sử dụng thiết bị, linh kiện hoặc nguyên phụ liệu… nhập khẩu từ nước ngoài về đã có dấu hiệu nhích lên. Điều này khiến giá bán sỉ, lẻ nhiều loại hàng hóa trong nước nhấp nhổm tăng bởi lý do giá “đô” cao khiến giá thành sản xuất tăng theo.

Ngược lại, giá USD cao nhưng ngay cả với phía được cho là hưởng lợi từ tỷ giá là nhóm các nhà sản xuất – xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; gạo… trên thực tế cũng không được hưởng lợi bao nhiêu do chi phí nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng hoặc giá trị xuất khẩu giảm thời điểm giá USD tăng cao.

Trong khi đó, theo số liệu phân tích hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 vừa qua, lượng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng nhập về để phục vụ sản xuất tuy có giảm chút ít so với tháng trước đó, nhưng vẫn tăng mạnh so với năm ngoái. Với mặt hàng là chất dẻo nguyên liệu và các sản phẩm chất dẻo, lượng nhập khẩu trong thời điểm giá USD cao vẫn giữ ở mức khá cao.

Nhóm nguyên, phụ liệu dệt may, da, giày cũng vậy, giá trị nhập về trong tháng 8 có giảm mạnh, thì các DN trong nước vẫn còn phải chi ra đến 1,45 tỷ USD. Với nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, dù giá USD trong nước cao, các nhà sản xuất trong nước vẫn phải bỏ ra đến 301 triệu USD để nhập khẩu thức ăn tinh hoặc nguyên liệu về sản xuất. Mặt hàng sắt thép các loại và các sản phẩm từ thép cũng không nằm ngoài chuyện tác động của tỷ giá, thời điểm giá bán trong nước đang giảm, giá trị hàng hóa nhập về trong tháng 8 vẫn đạt tới con số gần 1 tỷ USD.

Khi giá USD trong nước giữ ở mức cao như vậy, giá bán những mặt hàng được nhập về trong khoảng thời gian này đã phải đối mặt với nguy cơ tăng giá bán do tỷ giá ngoại tệ so với tiền đồng. Ông Châu, đại diện một DN sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, nhập lô hàng lớn khô đậu nành và một số loại phụ gia khác về cảng đúng thời điểm giá USD tăng cao nhất. Chi phí sản xuất lô hàng này đã tăng khoảng 5% nhưng DN vẫn cố gồng, đến khi không thể chịu được hơn sẽ buộc phải tính đến việc tăng giá bán lẻ.

Lĩnh vực sản xuất thức ăn, thuốc chữa bệnh cho thủy sản cũng vậy, chủ yếu nguyên liệu phải nhập ngoại nên giá sản xuất cũng đã tăng thêm vài phần trăm do giá USD tăng cao. Song thời điểm này giá tôm, cá hạ do xuất khẩu gặp khó nên hầu như chưa nhà sản xuất nào dám tính chuyện tăng giá bán. Dù vậy, điều khiến các DN lo nhất vẫn là giá các mặt hàng phục vụ sản xuất có nguyên liệu nhập ngoại khác đồng loạt tăng do tỷ giá USD.

Mặc cho giá USD cao, lượng ôtô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống được nhập về trong tháng 8 vừa qua cũng vẫn đạt mức cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Ngay cả với xu hướng các DN tăng cường nhập khẩu các dòng xe nhỏ, có giá thấp, thì gần 10,8 ngàn xe nhập tháng vừa qua về chắc chắn sẽ nhích giá bán theo mức trượt giá ngoại tệ. Sản xuất lắp ráp trong nước, nhưng phản ứng trước tỷ giá USD tăng cao, một hãng xe hơi đã dự tính từ 1/10 tới, giá bán lẻ các dòng xe hơi của hãng này sẽ đồng loạt tăng khoảng 4% so với hiện hành. Tương ứng với mức tăng giá bán từ 22-55 triệu đồng, tùy mẫu xe và phiên bản.

Lý giải về việc tăng giá này được hãng nêu lý do là việc điều chỉnh tỷ giá dẫn đến giá linh kiện, phụ tùng nhập khẩu của hãng quy đổi ra đồng Việt Nam cũng tăng, kéo theo giá bán lẻ tăng. Các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô khác, tuy chưa đưa ra thông tin tăng giá bán, nhưng để bù đắp cho phần chi phí về tỷ giá, các hãng cũng sẽ buộc phải tính toán chuyện cắt giảm chi phí hậu mãi đi kèm. 

Như vậy, mặc cho lộ trình cắt giảm thuế đối với ôtô theo Afta sắp bước sang năm 2016 với mức thuế suất giảm thấp hơn, thì người tiêu dùng trong nước vẫn phải mua xe với giá cao hơn do câu chuyện tỷ giá.

Đ.Thắng
.
.
.