Lo ngại ô nhiễm phóng xạ từ khai thác titan

Thứ Tư, 06/09/2017, 10:32
Ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan… khi khai thác titan ở tỉnh Bình Thuận là thực trạng ai cũng nhìn thấy nhưng có một thứ ô nhiễm không nhìn thấy nhưng lại nguy hiểm đến sức khỏe con người đó là ô nhiễm phóng xạ…


Khi ô nhiễm môi trường từ khai thác titan đã đến mức báo động, năm 2009, Sở KH-CN tỉnh Bình Thuận đã phân tích đánh giá mức độ tác động ảnh hưởng môi trường tại khu vực Thiện Ái, huyện Bắc Bình - nơi có 4 công ty được cấp phép khai thác tận thu sa khoáng titan. 

Kết quả phân tích 8 mẫu nước biển ven bờ gần khu vực khai thác titan cho thấy hoạt độ phóng xạ anpha cao hơn từ 2,49-8,88 lần; beta cao hơn từ 5,43-10,35 lần so với với quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Kết quả phân tích 10 mẫu nước giếng gần khu vực khai thác và 4 mẫu nước thải cũng cho thấy hoạt độ phóng xạ anpha và beta cũng cao hơn ngưỡng cho phép. 

Riêng kết quả đo phông phóng xạ gamma tại mỏ của Công ty TNHH Sao Mai và Công ty TNHH Tài Nguyên cho thấy mức liều gamma cao gấp 26-36 lần so với mức tối thiểu của dị thường phóng xạ.   

Hiện trạng hồ chứa nước thải của một mỏ khai thác titan.

Từ kết quả đáng ngại này, Sở KH-CN thực hiện đề tài nghiên cứu “khảo sát, đánh giá và đề xuất biện pháp quản lý môi trường phóng xạ ven biển Bình Thuận” ở 6 khu vực mỏ, gồm: Bàu Dòi (153ha), Vũng Môn (260ha), Thiện Ái (58ha), Hòn Rơm (77ha), Suối Nhum (50ha) và Tân Thắng - Sơn Mỹ (200ha). Kết quả cho thấy môi trường phóng xạ gamma và hàm lượng radon trong không khí và khí sinh ra trong đất tại các khu vực đều vượt ngưỡng cho phép. 

Cụ thể tại mỏ Bàu Dòi, thời điểm khảo sát, mỏ đã khai thác xong và được hoàn thổ, kết quả đo 63 điểm, suất liều phóng xạ trung bình của toàn khu mỏ là 121,3 nanoSieverts/giờ (nSv/h) (tạo nên liều chiếu ngoài ~1,06 miliSievert/năm, tương đương mức trung bình của thế giới là 1,1 mSv/năm). 

Tuy nhiên, có 3/63 điểm có phông phóng xạ cao đột biến (phạm vi khoảng 30m²), có thể dự đoán đây là nơi tập kết sa khoáng nhưng không được dọn dẹp vệ sinh kỹ nên để sót sa khoáng có chứa monazit có hàm lượng phóng xạ cao gây ô nhiễm phóng xạ cho vùng này. 

Đo hàm lượng khí radon trong không khí và khí sinh ra trong đất trên toàn bộ khu vực mỏ Bàu Dòi, hầu hết hàm lượng radon trong không khí cao hơn 30 Becquerel/m3  (mức trung bình trên thế giới) nhưng chưa tới mức “hành động” (theo quy định của Mỹ, mức hành động là 148 Becquerel/m³). 

Tuy nhiên, khi đo hàm lượng radon trong khí sinh ra từ đất ở độ sâu 0,5m, kết quả hầu hết các điểm đo đều có hàm lượng Radon ~100 Becquerel/m³ (Bq/m³). Có một điểm đo hàm lượng radon lên đến 1180 Bq/m³, có thể đây là nơi tập kết sản phẩm hay là nơi chôn lấp cát thải sau khi tách monazit (vẫn còn hoạt độ phóng xạ cao) sau đó chưa được hoàn thổ đúng cách, phần cát thải có hoạt độ phóng xạ cao chưa được chôn sâu vẫn còn gây ảnh hưởng tới phông phóng xạ môi trường.

Đo 114 điểm tại mỏ Thiện Ái, kết quả cho thấy phông phóng xạ trung bình tại đây là 142,3 nSv/h (tạo ra liều chiếu ngoài trung bình hàng năm là 1,24 mSv/năm, cao hơn mức trung bình của thế giới). Có tới 11/22 điểm đo có hàm lượng radon trong không khí ở mức “hành động”. Tại các điểm còn lại đều có hàm lượng radon trong không khí cao hơn mức bình thường.

Tương tự là mỏ Hòn Rơm, có 12/29 điểm đo có hàm lượng radon > 148 Bq/m3, đây là những điểm có tiềm năng gây nên hàm lượng radon trong không khí trong nhà ở khá cao. Nếu các ngôi nhà xây dựng trên khu vực này không được xử lý nền móng, không được bố trí thông gió đúng theo các yêu cầu thiết kế để phòng chống sự tích tụ radon, có hại cho sức khỏe.

Tại mỏ Sơn Mỹ - Tân Thắng, hầu hết các vị trí đo đều có hàm lượng radon ở mức cao (>50 Bq/m3). Đặc biệt có 8 điểm có hàm lượng radon trong không khí ở ngoài trời đã cao hơn mức “hành động”. Tại khu vực mỏ Suối Nhum, do sa khoáng nặng nằm gần bề mặt, có thể nhìn thấy rõ cát đen nên phông phóng xạ cao hơn mức bình thường. Đặc biệt có tới 14/22 điểm đo có hàm lượng radon trong không khí cao hơn mức bình thường.

Để khắc phục thực trạng này, các nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp để đảm bảo an toàn bức xạ. Đó là cần khai thác có kế hoạch, theo nguyên tắc cuốn chiếu, khai thác đến đâu hoàn thổ đến đấy. Hoàn thổ phải đúng cách, chôn các phần đất cát thải (còn có chứa một lượng nhất định các nguyên tố phóng xạ mà hiện tại chưa thể tách được triệt để) xuống phần sâu nhất của vùng cần hoàn thổ, sau đó phủ phần đất cát sạch hơn lên trên. 

Tổ chức trồng cỏ, trồng cây xanh trên vùng đất đã được hoàn thổ. Trang bị thiết bị khai thác, chế biến hiện đại để có thể tuyển, phân loại quặng một cách triệt để. Bố trí hệ thống nước sản xuất thật hợp lý, tiết kiệm và có sử dụng lại nước sản xuất. 

Đặc biệt đối với khai thác và chế biến sa khoáng ven biển, phải chú ý hạn chế tối đa hiện tượng “mặn hóa” vùng đất. Thường xuyên tổ chức việc đo đạc, khảo sát kiểm tra môi trường phóng xạ, đảm bảo không có sự rơi vãi, phát tán phần đuôi quặng sau khi tuyển thu hồi monazit vẫn còn chứa nhiều nhiều hạt nhân phóng xạ vào môi trường…

Từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế tại các khu mỏ sa khoáng đã khai thác xong và đã hoàn thổ (mỏ Bàu Dòi, Bình Thuận; mỏ Dung Quất, Quảng Ngãi) cho thấy tại các khu mỏ có chứa quặng phóng xạ hoàn toàn có thể tiến hành phục hồi môi trường sau khi khai thác xong nếu tuân thủ đúng các nguyên tắc đảm bảo an toàn phóng xạ. Vấn đề còn lại là các công ty khai thác khoáng sản có thực hiện đúng quy định và có dành đủ kinh phí cho việc phục hồi môi trường và kiểm soát môi trường hay không. 

Đặc biệt, đối với các khu du lịch, nhà dân đã và sẽ xây dựng trên các vùng có chứa sa khoáng titan - zircon cần phải được kiểm tra nồng độ radon trong nhà. Nếu xác định có nồng độ radon cao hơn mức “hành động” thì phải có kế hoạch di chuyển hoặc cải tạo lại nhà theo hướng dẫn của các chuyên gia an toàn phóng xạ.

Người dân quanh các khu quy hoạch khai thác titan rất mong Thủ tướng Chính phủ sau khi điều chỉnh quy hoạch khai thác titan ở Bình Thuận, nếu tiếp tục cho khai thác cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng quy trình khai thác chặt chẽ và có chế tài đủ mạnh để kiểm soát môi trường nói chung và an toàn bức xạ nói riêng.

Theo GS. TS Đặng Trung Thuận, ĐH Quốc gia Hà Nội, quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến quặng titan làm phát tán các chất phóng xạ rất có hại đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả đo xạ cho thấy cường độ phóng xạ ở đống quặng tuyển ướt, đặc biệt trong xưởng tuyển tinh, các sản phẩm sau tuyển tinh đều rất cao vượt ngưỡng cho phép so với tiêu chuẩn an toàn phóng xạ. Ô nhiễm phóng xạ là ô nhiễm mà con người không cảm nhận được, nhưng lại rất nguy hiểm cho sức khỏe của công nhân khai thác, chế biến quặng titan và cư dân địa phương.
Mã Hải
.
.
.