Vai trò của pháp luật trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam

Thứ Ba, 04/06/2019, 16:21
Ngày 4-6, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra tọa đàm “Vai trò của pháp luật với Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam” với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng liên quan tại miền Trung; giới luật gia, luật sư, chủ doanh nghiệp, khán giả và bạn đọc trong nước và quốc tế. 

Với 3 nội dung chính: Tổng quan về chiến lược phát triển bền vững kinh tế Biển Việt Nam theo Nghị quyết số 36-NQ/TW- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đánh giá toàn cảnh về tình hình phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung và phát triển kinh tế biển nhìn từ thực trạng phát triển kinh tế ven biển, từ đó bàn luận về vai trò của pháp luật đối với chiến lược phát triển kinh tế biển.

Tọa đàm “Vai trò của pháp luật với Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam” mang lại kiến thức chuẩn xác, kịp thời và đầy đủ về vấn đề pháp lý cần hỗ trợ liên quan phát triển kinh tế biển cho người dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chính vì vậy, chiến lược biển Việt Nam là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển. Sau hơn 10 năm thực hiện, thực tế đã chỉ ra, dù đạt được một số thành công nhất định, nhưng Chiến lược biển vẫn chưa thật sự bền vững. 

Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển. 

Do đó, để kinh tế biển phát triển, Việt Nam cần phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế so sánh, cũng như bảo đảm những nội dung pháp luật quy định… Báo cáo tại Tọa đàm cho thấy, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một điều đáng lo ngại, việc phát triển kinh tế biển đã gây ra những suy thoái rất mạnh mẽ tới môi trường và các nguồn tài nguyên biển. Những con số biết nói từng được chỉ ra, hiện có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý xả ra biển. 

 Trong những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển. Đánh giá về thực trạng kinh tế biển thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cho dù bối cảnh chung của thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường, nhưng kinh tế biển Việt Nam vẫn tiến triển tốt. 

Phát biểu tại Tọa đàm, Tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia Thế giới nhìn nhận:  trong những năm tới, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, KHCN biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển. Xây dựng tiềm lực KHCN biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng KHCN và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Trước những cơ hội và thách thức, Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, phù hợp thông lệ quốc tế, thể chế hóa mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược biển đến năm 2020, đặc biệt định hướng chiến lược kinh tế cũng như quốc phòng, an ninh và đối ngoại trên biển.  


Hoài Thu
.
.
.