Làm thế nào để không thiếu điện vì thiếu than?

Thứ Sáu, 07/12/2018, 08:38
Tuần qua, trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, năm 2019 có thể thiếu điện, dẫn đến cắt điện luân phiên do nhà máy nhiệt điện thiếu than thì Tập đoàn công nghiệp Than - Khoảng sản (TKV) – đơn vị cung cấp than lại cho rằng than vẫn có đủ cho các nhà máy nhiệt điện theo các hợp đồng đã ký. Vì sao có chuyện lạ này?


Thiếu hụt than do giá trong nước thấp hơn giá thế giới

Báo cáo của EVN gửi lên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho thấy, tổng nhu cầu điện quốc gia 2 tháng cuối năm 2018 cao hơn 600 triệu kWh so với kế hoạch. Trong khi, nguồn phát điện từ nhà máy thuỷ điện, điện khí đều giảm sút do mực nước hồ thuỷ điện xuống thấp và suy giảm khả năng cung cấp khí. Để bù phần sản lượng điện thiếu hụt khoảng 2,9 tỉ kWh, EVN cho biết cần phải huy động tối đa các nhà máy điện than hiện có trong 2 tháng cuối năm.

Trong khi đó, từ đầu tháng 10-2018 đến nay EVN đã thiếu hụt tới 342.334 tấn than. Nếu tiếp tục thiếu than, EVN sẽ phải huy động thêm các nhà máy thủy điện, làm giảm mực nước dự trữ, ảnh hưởng tới việc phát điện trong năm 2019. Tình trạng này khiến EVN có thể phải dừng cấp điện ở một số khu vực vào đầu năm 2019 và nguy cơ thiếu điện kéo dài tới mùa khô 2019. Đến ngày 2-11, nhiều nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) thiếu hụt than như NMNĐ Quảng Ninh chỉ còn hơn 12,9 nghìn tấn than (đủ vận hành 1 ngày); NMNĐ Hải Phòng còn hơn 52,2 nghìn tấn (khoảng hơn 4 ngày vận hành); NMNĐ Mông Dương 1 còn hơn 62,8 nghìn tấn (khoảng 5 ngày vận hành)...

Do lượng than cung cấp thiếu hụt kéo dài nên một số nhà máy đã phải giảm công suất hoặc ngừng hẳn các tổ máy, như NMNĐ Nghi Sơn phải giảm công suất 2 tổ máy về mức tối thiểu từ 0h ngày 22-11; NMNĐ Hải Phòng phải giảm công suất 4 tổ máy từ ngày 19-11 và ngừng hẳn 1 tổ máy từ ngày 22-11. Các NMNĐ Mông Dương 1, Nghi Sơn 1 có khả năng sẽ phải dừng hoạt động. Tổng công suất thiếu hụt do các NMNĐ than phải ngừng/giảm công suất là khoảng 2.300 MW (tương đương với công suất sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung).

Dự kiến năm 2019 tổng nguồn than để dùng cho nhiệt điện là 54 triệu tấn, trong đó có 44 triệu tấn than trong nước nhập của TKV và Đông Bắc. Trong khi 2 đơn vị này chỉ cung ứng được khoảng 36 triệu tấn, vẫn thiếu 8 triệu tấn nữa. Để bù đắp lại, EVN sẽ tự nhập khẩu một nửa, phần còn lại TKV sẽ nhập và bán lại cho EVN.

Trong khi đó, giá than đang biến động nhanh theo xu hướng tăng của thế giới. Từ 5-12, TKV sẽ tăng giá 5% với than bán cho EVN do đó sẽ gây ra áp lực làm tăng giá thành sản xuất điện. Nếu thiếu hụt nữa, EVN sẽ phải huy động điện chạy dầu, nguồn điện này cũng còn có chi phí đắt hơn cả nhiệt điện chạy than. Do đó, gây áp lực rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của EVN. Lý giải nguyên nhân thiếu hụt than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than, ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng giám đốc TKV cho rằng, nguyên nhân thiếu than là do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao.

Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017. Giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/ tấn tuỳ chủng loại khiến các hộ tiêu thụ như: điện, xi măng, hoá chất, thép chuyển sang mua than từ TKV dẫn đến nhu cầu than tăng đột biến so với kế hoạch.

Đối với than cung cấp cho sản xuất điện, TKV thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết với các Nhà máy điện. Than cho điện là 29 triệu tấn tăng 5,4 triệu so với thực hiện 2017 (con số vượt này tương đương với sản lượng của 3 mỏ than). Đại diện TKV khẳng định TKV đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng đã ký cho các nhà máy nhiệt điện.

Trong các cuộc họp ngày 12-11-2018 và ngày 14-11-2018 do Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã cam kết đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng đã ký cho các NMNĐ sản xuất, tuy nhiên không đảm bảo cho các NMNĐ tăng lượng dự trữ tồn kho theo yêu cầu.

Không để thiếu than cho sản xuất điện, kể cả ngắn hạn trong tháng cuối năm 2018. Ảnh minh hoạ Internet.

Ưu tiên cung cấp đủ than cho sản xuất điện

Năm 2019, TKV dự báo kế hoạch tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn, trong đó cung cấp than cho các NMNĐ là 31,90 triệu tấn (kể cả phần nhập khẩu 4 triệu tấn để pha trộn). Trên cơ sở năng lực sản xuất theo giấy phép khai thác hiện có, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch.

Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ. Tuy nhiên, do nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động các NMNĐ chạy than nên cần phải có cam kết của các Nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư.

Bên cạnh đó, do giá bán than cho các hộ điện hiện nay thấp hơn giá thị trường và thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu, nên TKV cũng đề xuất cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV và Tổng Công ty Đông Bắc chủ động tính toán phương án nhập khẩu đảm bảo nhu cầu cho các Nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019.

Để đáp ứng đủ than cho các hộ sản xuất, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện, tại cuộc họp về các giải pháp cung cấp than cho sản xuất điện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than. Xây dựng kế hoạch tổng thể về nhu cầu sử dụng than các loại, gồm than sản xuất trong nước, than nhập khẩu, đảm bảo đáp ứng nhiên liệu cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt là đáp ứng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, EVN nghiên cứu các giải pháp sử dụng than trộn cho sản xuất điện, trên cơ sở tính toán phối trộn than trong nước và nhập khẩu đảm bảo chất lượng nhiên liệu, các yếu tố về môi trường để khắc phục việc thiếu than Antraxite của các nhà máy điện; không để thiếu than cho sản xuất điện, kể cả ngắn hạn trong tháng cuối năm 2018.

“TKV, Tổng Công ty Đông Bắc cùng EVN và các hộ tiêu thụ than khai thác khẩn trương thỏa thuận ký hợp đồng mua bán than năm 2019 và kế hoạch mua bán than dài hạn, trung hạn và thực hiện nghiêm theo hợp đồng để đáp ứng đủ than cho sản xuất. Giá bán than sản xuất trong nước thực hiện theo Luật giá, Bộ Tài chính chủ động làm việc và hướng dẫn các đơn vị sản xuất than trong nước xác định giá than theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh than có hiệu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để các đơn vị sản xuất than triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Lưu Hiệp
.
.
.