Kỳ vọng bứt phá xuất khẩu hàng hoá trong năm 2021

Thứ Năm, 07/01/2021, 08:24
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2020 đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Trước cú sốc của dịch COVID-19 tác động tới chuỗi cung ứng, doanh nghiệp (DN) đã từng bước chủ động xây dựng lại hệ thống sản xuất, tìm cơ hội XK. Với nền tảng đạt được trong năm 2020, bước vào năm 2021 các DN, ngành hàng kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát, đi lại thông thương, nhu cầu thị trường tăng lên. Kéo theo đó, XK hàng hoá của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng tốt, góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.

Nếu dịch bệnh COVID-19 được khống chế hoàn toàn, các nước đồng loạt mở rộng thị trường sẽ giúp cho các doanh nghiệp tăng xuất khẩu.

Doanh nghiệp lạc quan về xuất khẩu 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, sức mua thị trường năm 2021 vẫn sẽ giậm chân tại chỗ, không có sự tăng trưởng đột phá nếu tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Về kịch bản nguyên phụ liệu, năm 2021 và 2022, Việt Nam có thể vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư sợi, dệt, nhuộm, chuyển tiếp từ 2019-2020 sang, có thể đảm bảo phần cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam. Nguyên nhân là do sự thay đổi phương thức mua hàng ở các quốc gia, sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu có “trục trặc”, các nhãn hàng thời trang chấp nhận mua nguyên phụ liệu của Việt Nam, trong khi đó, các nhà máy của Việt Nam sản xuất sợi và dệt đã phát huy tốt năng lực phục vụ tại thị trường trong nước và XK.

Dự kiến, với khả năng kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trên thế giới trong quý 1, XK dệt may năm 2021 có thể đạt khoảng 37 - 38 tỷ USD, có tăng trưởng nhẹ so với 2020. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, UKVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN dệt may dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực.

Với nhiều mặt hàng như: Giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện..., một năm sẽ có hai mùa sản xuất chính là đầu năm và cuối năm. Do vậy, thời điểm này cũng là thời điểm vào mùa sản xuất, XK nên các DN đang “tăng tốc” để hoàn thành các đơn hàng. Các DN đang kỳ vọng vào mùa sản xuất đầu năm 2021. Đến nay, nhiều DN trên lĩnh vực dệt may, giày dép, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã nhận được đơn hàng đến quý II-2021. Vào cuối năm, thị trường XK từng bước được khơi thông nên đầu ra của các DN thuận lợi hơn.

Tới đây, nếu dịch bệnh COVID-19 được khống chế hoàn toàn, các nước đồng loạt mở rộng thị trường sẽ giúp cho các DN tăng XK. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP Biên Hòa) cho biết, từ tháng 9/2020 đến nay, sản xuất và XK may mặc có sự phục hồi rõ nét. Công ty bắt đầu nhận được các đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài nên sản xuất được khôi phục. Hiện công ty đã có đơn hàng đến cuối quý I/2021.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cũng kỳ vọng, khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì sẽ thúc đẩy XK được tốt hơn, dự kiến, XK ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Cho tới thời điểm này, có thể thấy, da giày là một trong những ngành tận dụng tốt nhất Hiệp định EVFTA. Thời gian tới, ngành da giày vẫn xác định tập trung cho XK, tham gia mạnh vào chuỗi giá trị.

Từ đại dịch COVID-19 cho thấy đứt gãy chuỗi cung gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sản xuất, buộc toàn ngành phải nhìn nhận lại chiến lược. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào NK nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề chuỗi cung DN sẽ rất bị động. Thời gian sắp tới là cơ hội rất tốt để toàn ngành và Chính phủ thiết lập lại chính sách mạnh hơn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam phải chớp lấy cơ hội này để phát triển sản xuất nguyên phụ liệu ở Việt Nam.

Bộ, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, những ngày gần đây triển vọng khống chế dịch COVID-19 có tia sáng khi vaccine được tung ra tiêm hàng loạt ở một số nước. Dự báo, XK hàng hóa năm 2021 trong điều kiện thế giới khống chế được dịch sẽ tốt hơn năm 2020, tăng trưởng XK cao hơn. Hiệp định RCEP có hiệu lực kết hợp với các FTA thế hệ mới sẽ có tác dụng tốt với XK và sẽ còn tác dụng nữa nếu như tận dụng tốt cơ hội.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, tỉnh dự tính đưa ra chỉ tiêu trong năm 2021 kim ngạch XK tăng từ 8,1-8,5% so với năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp thì đây là chỉ tiêu khó thực hiện. Tuy nhiên, với đà phục hồi của DN như hiện nay và đơn hàng lớn luân chuyển về Đồng Nai khá nhiều thì năm 2021, Đồng Nai sẽ đạt được mức tăng trưởng kim ngạch XK như chỉ tiêu đề ra.

Để thúc đẩy XK, Đồng Nai cũng rất chú ý đến việc phối hợp với Bộ Công Thương, kết nối giao thương với các nước bằng hình thức trực tuyến để giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ và giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu. Đồng thời, tỉnh tập trung tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, lộ trình giảm thuế của từng mặt hàng để DN biết, khai thác những thị trường có lợi thế trên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, thế giới hiện nay là môi trường có bối cảnh mới với nhiều yếu tố khó lường, khó đoán định. Tuy nhiên cũng phải khẳng định năm 2021 và những năm tới sẽ là những năm về cơ bản có được điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các FTA đã ký kết và sẽ ký kết; những chú trọng chính sách của Chính phủ, Đảng, Nhà nước và quyết sách của Chính phủ trong hàng loạt khía cạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cách chính sách về an sinh xã hội, cải cách và mở cửa cũng như nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật,…

“Tôi tin năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự phát triển, thậm chí là tăng tốc của Việt Nam trong đó có cả khía cạnh hội nhập quốc tế và XNK. Chúng tôi đã xây dựng những mục tiêu với những kịch bản cụ thể và thông qua cho năm 2021, về cơ bản vẫn duy trì xu thế chung trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như thương mại quốc tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.