Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp tại “Thành phố ngàn hoa”
Kỳ 1: Luồng sinh khí mới
Đà Lạt xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước với nguồn thu nhiều tỷ đồng mỗi năm/ha. Vùng đất này nhanh chóng trở thành thủ phủ NNCNC của Việt Nam. Nông sản Đà Lạt đang vươn tới tầm cao mới chinh phục thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Trước năm 1994, mặc dù có những lợi thế đặc biệt về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và lịch sử nghề trồng rau, hoa để lại nhưng nhìn chung, ngành nông nghiệp của Đà Lạt vẫn không khá hơn so với các địa phương khác. Bấy giờ, vùng chuyên canh rau, hoa số 1 Việt Nam hiện nay vẫn còn nặng tính manh mún, nhỏ lẻ và lạc hậu.
Năm 1994 được xem là bước ngoặt của ngành nông nghiệp Đà Lạt khi có sự xuất hiện của Công ty TNHH Agrivina (Dalat Hasfarm) với 100% vốn nước ngoài (Hà Lan). Ban đầu, công ty này chỉ có 2ha đất trên đường Nguyên Tử Lực với cách làm hoa hoàn toàn khác biệt với người dân Đà Lạt bao đời nay. Điều đó khiến hàng nghìn nông hộ trồng rau, hoa ở thành phố này hết sức tò mò.
Sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao ở Dalat Hasfarm. |
Dalat Hasfarm không trồng hoa ngoài trời, mà làm nhà kính kiên cố, hiện đại, có hệ thống tưới tiêu phun sương, nhỏ giọt tự động, sau này người dân Đà Lạt được biết đó là công nghệ sản xuất hoa được nhập khẩu từ Israel và Hà Lan.
Với công nghệ này, Dalat Hasfarm đã trồng thành công hàng chục giống hoa và cho ra hoa đúng vào dịp lễ, Tết, năng suất, chất lượng vượt trội so với cách trồng truyền thống của người Đà Lạt.
Hoa của Dalat Hasfarm giá cao gấp hai, ba lần hoa của nông hộ Đà Lạt. Chỉ trong thời gian ngắn, Dalat Hasfarm không ngừng mở rộng quy mô (nay đã hơn 100ha), nhanh chóng trở thành DN sản xuất hoa số 1 Việt Nam.
Nông dân Đà Lạt hết sức tò mò với cách sản xuất hoa của Dalat Hasfarm. Nhiều người “mon men” tới thăm dò, học lén kỹ thuật trồng hoa trong nhà kính. Một số công nhân kỹ thuật sau một thời gian làm việc cho Dalat Hasfarm cũng ra ngoài lập nhà kính để trồng hoa.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu hoa cho thị trường trong nước và xuất khẩu, Dalat Hasfarm còn liên kết và chuyển giao kỹ thuật tới các trang trại vệ tinh trong vùng để tạo đầu ra ổn định cho người trồng hoa, vừa mở rộng và xây dựng thương hiệu cho hoa Đà Lạt… Chính cách làm này đã kích thích người trồng hoa ở Đà Lạt bỏ dần lối canh tác tuyền thống.
Hoa được trồng theo công nghệ Israel và Hà Lan có những ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng so với hoa trồng truyền thống vì chủ động phòng ngừa được sâu bệnh, nhiệt độ và tác động môi trường, tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố kỹ thuật nên đẹp hơn hẳn, giá thường cao gấp hai, ba lần so với hoa trồng ngoài trời.
Kỹ thuật làm nông nghiệp trong nhà kính với các hệ thống tự động nhanh chóng được người dân Đà Lạt phổ biến và áp dụng rộng rãi. Không những thế, các nông hộ trồng rau cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ hiện đại này nhằm chủ động điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc cây trồng.
Chỉ vài năm sau, Đà Lạt đã hình thành những vùng chuyên canh rau, hoa trong nhà kính quy mô ngày càng lớn với sự giao thoa, hội nhập của nhiều DN có tiềm lực trong và ngoài nước.
Những công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến của Israel, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… được các nông hộ, DN đưa về áp dụng. Hiện NNCNC không chỉ gói gọn trong TP Đà Lạt và trên cây rau, hoa, mà nhanh chóng lan rộng ra các huyện, thành phố khác trong tỉnh trên hầu hết các loại cây trồng khác như chè, cà phê, chanh dây, dây tây, dưa…
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, nếu như năm 2010, toàn tỉnh mới chỉ có 9.800ha đất sản xuất NNCNC, thì 6 năm sau, con số này đã tăng lên khoảng 49.000ha.
Trong đó, có hơn 21.000ha trồng rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng công nghệ tưới phun tự động; 50ha trồng hoa, dâu tây áp dụng công nghệ cảm biến, tự động đồng bộ, hàng chục hécta rau thủy canh và 41ha canh tác trên giá thể…
Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh Lâm Đồng nay đã đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Xuất hiện hàng chục nông hộ, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực NNCNC với doanh thu đạt 5-8 tỷ đồng/ha/năm. Giá trị sản xuất của sản phẩm NNCNC chiếm trên 30% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Tỉnh Lâm Đồng đã hình thành Khu công nghệ sinh học và NNCNC Đà Lạt có diện tích 221ha. Đây là một trong 10 khu NNCNC của cả nước, được xây dựng nhằm góp phần nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng sản xuất NNCNC, thúc đẩy giá trị nông nghiệp trên mỗi đơn vị diện tích.
Đồng thời, Lâm Đồng cũng đang triển khai xây dựng 2 Khu NNCNC tại Ấp Lát, với diện tích 346ha và Đạ Đuem II diện tích 172ha, tại huyện Lạc Dương.
Lâm Đồng đã có 8 DN được Bộ NN&PTNT chứng nhận là DN ứng dụng NNCNC với diện tích sản xuất 385ha, có 46 chuỗi liên kết sản xuất, 99% mẫu rau, củ, quả kiểm tra nhanh đảm bảo đạt tiêu chuẩn rau an toàn. Đà Lạt có hơn 60 cơ sở nuôi cấy mô thực vật sản xuất trên 30 triệu cây giống in vitro và trên 200 vườn ươm sản xuất khoảng 2 tỷ cây giống thương phẩm để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay, Lâm Đồng đã thu hút được 70 DN nước ngoài với số vốn trên 500 triệu USD. Hầu hết các DN này đều đã có công ty mẹ ở nước ngoài nên có rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất NNCNC.
Lâm Đồng cũng đã ký kết hợp tác với Tổ chức JICA (Nhật Bản) và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp.
Trong 5 năm, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư gần 21.300 tỷ đồng thực hiện chương trình NNCNC và thu hút được 97 DN đầu tư với số tiền hơn 5.909 tỷ đồng vào lĩnh vực này.
Năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp chứng nhận “Nhãn hiệu Rau Đà Lạt” cho UBND tỉnh Lâm Đồng. Nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” được bảo hộ trong phạm vi toàn quốc cho sản phẩm rau có nguồn gốc xuất xứ từ Đà Lạt và vùng lân cận. Điều kiện để được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu là sản phẩm rau phải được sản xuất, chế biến và kinh doanh theo tiêu chuẩn rau an toàn hoặc Viet GAP, Global GAP tại khu vực trên. Nhãn hiệu chứng nhận này có thời hạn 3 năm (sau đó cấp lại) và các tổ chức, cá nhân được cấp phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đà Lạt”. |