Trò chuyện Chủ nhật

Kinh tế tư nhân là ngôi sao hi vọng cho tăng trưởng 2018

Chủ Nhật, 31/12/2017, 07:45
Năm 2017, kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục. Ngoài ổn định vĩ mô và giải quyết được các vấn đề xã hội, dấu ấn của năm nay là 13/13 chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cộng đồng doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan vào sản xuất, kinh doanh trong năm 2018.

Nhân dịp này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cơ hội, những thách thức và sự chuẩn bị của doanh nghiệp (DN) trong năm 2018.  

Ông Vũ Tiến Lộc.

PV: Nhìn lại năm 2017, với tư cách Chủ tịch VCCI, ông ấn tượng nhất điều gì?

Ông Vũ Tiến Lộc: Năm 2017, Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn với cộng đồng quốc tế, tổ chức thành công các sự kiện lớn, thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh đặc biệt là vốn giải ngân đã thực sự đi vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đáng chú ý, mục tiêu tăng trưởng GDP đã đạt mức 6,81% nhờ vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo thay vì khai thác tài nguyên.

Điều ấn tượng nhất đối với tôi trong năm 2017 là kết quả cải thiện môi trường kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương bắt đầu chuyển động và chuyển động khá tích cực. Tinh thần cải cách đã lan tỏa từ trung ương đến địa phương, từ chính phủ để các bộ, ngành, chứ không phải “trên nói mà dưới không làm gì”. Ở rất nhiều địa phương có sáng kiến cà phê doanh nhân, trung tâm hành chính công được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

PV: Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) lần đầu tiên đạt mức kỷ lục trên 400 tỷ USD; Việt Nam đón gần 12,9 triệu lượt khách quốc tế đã trở thành một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 2017. Ông đánh giá như thế nào về những đột phá của xuất khẩu và ngành Du lịch năm 2017?

Ông Vũ Tiến Lộc: Dấu mốc 400 tỷ USD trong hoạt động XNK đánh dấu những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Từ năm 2014, khi khai thác dầu thô bắt đầu sụt giảm, thì tăng trưởng kinh tế dựa khá nhiều vào ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. Samsung và Formosa đã góp phần lớn tạo nên điểm sáng này.

Năm 2017, Samsung tạo ra 1,21 triệu tỷ đồng giá trị sản xuất, XK tăng đột biến so với năm trước. Trong đó, kim ngạch XK sản phẩm máy tính và linh kiện đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%; điện thoại di động và linh kiện XK đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%.

Với Fomosa Hà Tĩnh, mặc dù mới sản xuất kinh doanh từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, DN này dự kiến tạo ra 14,8 nghìn tỷ giá trị sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới việc thu hút FDI thì cần quan tâm phát triển đội ngũ DN trong nước, để tránh sự lệ thuộc vào DN FDI với các giải pháp như phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ và các công đoạn khác trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Về du lịch, lần đầu tiên Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế đã khẳng định vị thế của du lịch Việt trên thị trường du lịch thế giới. Ngành Du lịch Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội từ sự kiện năm APEC 2017 tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, quảng bá đất nước và con người Việt Nam, tạo dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, hàng loạt giải thưởng danh giá của du lịch thế giới đã được trao cho ngành Du lịch Việt Nam chứng tỏ ngành Du lịch Việt còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Theo tôi, XNK và dịch vụ, du lịch vẫn sẽ là những động lực tăng trưởng quan trọng. Động lực này sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới, bởi trong con mắt của các nhà đầu tư kinh doanh quốc tế, Việt Nam vẫn đang là một trong những thị trường đầu tư đầy hấp dẫn.

PV: Năm 2017, số lượng DN thành lập mới đạt kỷ lục, số vốn đăng ký đổ vào nền kinh tế cũng tăng gấp rưỡi so với năm 2016. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này? Có phải người dân, DN đã tin tưởng hơn vào môi trường kinh doanh nên mạnh dạn đổ vốn đầu tư kinh doanh?

Ông Vũ Tiến Lộc: Chưa bao giờ Việt Nam có được sức thu hút lớn như hiện nay với đầu tư và thương mại. Theo một kết quả khảo sát mới đây do VCCI và Price Waterhouse Coopers (PWC) thực hiện, thì cùng với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Việt Nam được coi là một trong 4 nền kinh tế có sức hút đầu tư lớn nhất trong 21 nền kinh tế APEC.

Trong khi đó khảo sát của JETRO cho thấy gần 70% DN Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 2 năm tới. Đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều tăng lên: thu hút đầu tư nước ngoài tăng so với cùng kỳ năm ngoái, gần 127.000 DN được thành lập mới là một con số kỷ lục. Nếu tính một DN bình quân có 10 lao động thì riêng số DN được thành lập mới trong năm đã có thể tạo ra gần 1,3 triệu việc làm cho người lao động và theo tôi đây chính là thành tựu lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Tôi vẫn dùng hình ảnh kinh tế tư nhân là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam. Con số DN thành lập mới tăng nhanh như vậy mà tuyệt đại bộ phận là DN tư nhân đã cho thấy ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam đang bay lên. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại năng lực cạnh tranh của khu vực này còn thấp, mặc dù hiện nay đang chiếm tới 40% GDP của nền kinh tế, bởi vì tuyệt đại bộ phận các chủ thể trong khu vực kinh tế tư nhân là các hộ cá thể hoạt động trong khu vực phi chính thức (các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực chính thức mới chiếm khoảng 8% của GDP).

 Điều này đúng trong hiện tại, nhưng nếu nhìn ở triển vọng phát triển và khía cạnh tiềm năng thì chỉ cần có chính sách thích hợp kích hoạt khu vực này: chuyển các hộ kinh doanh thành DN thì sẽ có thể tạo ra một sự bùng nổ phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Năng lượng của sự phát triển DN ở Việt Nam đang căng đầy. Người Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác.

Theo kết quả khảo sát của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố năm 2016 thì trong số 60 nền kinh tế được khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất.

PV: Theo ông, năm 2018, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức gì và giải pháp nào xử lý thách thức ấy?

Ông Vũ Tiến Lộc: Theo khảo sát, quý I năm 2018, doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn quý IV năm 2017 với 49,2% DN dự báo khối lượng sản xuất sẽ tăng lên, 35,9% dự báo sẽ ổn định; 48,2% DN dự cảm xu hướng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là việc thích ứng cuộc Cách mạng 4.0 và kéo gần khoảng cách năng suất lao động với các nước.

Để đạt mục tiêu năm 2018 được cho là thận trọng như GDP từ 6,5 - 6,7%, lạm phát bình quân 4%, các giải pháp căn cơ vẫn được khuyến cáo là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động và linh hoạt chính sách tiền tệ, tăng cường kỷ luật tài chính. Đặc biệt giải pháp để nâng cao năng suất lao động phải đặt lên hàng đầu.

Đồng thời, nghiên cứu kỹ các nội hàm, phương thức vận hành của Cách mạng 4.0 để hoà chung vào dòng chảy thế giới. Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra xu hướng tự động hoá, trao đổi dữ liệu trong sản xuất và khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu mãi so với các nước phát triển. Nếu Việt Nam không cố gắng vượt bậc sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước phát triển, đây là một trong những thách thức lớn nhất với Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.