Kinh doanh vàng trên tài khoản tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thứ Năm, 15/01/2015, 10:07
Đây là khẳng định của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước câu hỏi về hoạt động kinh doanh sàn vàng và nhận ủy thác đầu tư của Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội - HGI vừa bị lực lượng Công an đánh sập.
>> Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng lừa đảo 270 tỷ đồng

Chiều 13/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - PC50 thông báo vừa phối hợp với C50 - Bộ Công an đánh sập Công ty HGI có hành vi kinh doanh vàng tài khoản, huy động vốn trái phép. Theo tài liệu, có 3.037 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại công ty này. Ngoài ra, từ 5/2012, HGI còn tổ chức huy động vốn đưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư với số tiền là 270 tỷ đồng và đến nay không có khả năng thanh toán.

Câu chuyện này một lần nữa lại xới lên tình trạng kinh doanh sàn vàng chui và việc nhận ủy thác đầu tư không đúng pháp luật. Hiện vẫn còn nhiều người dân nhầm lẫn về bản chất hoạt động của các sàn vàng như HGI, nên vẫn có cả nghìn người tham gia kinh doanh vì nghĩ là giống như đầu tư kinh doanh chứng khoán. Vậy, với tư cách là cơ quan quản lý, NHNN có thể khẳng định lại để người dân được rõ, kinh doanh vàng tài khoản như vậy có phải trái với quy định pháp luật?NHNN có cảnh báo gì tới người dân về những rủi ro từ hoạt động giao dịch vàng tài khoản? Lời khuyên của NHNN đối với người dân trong việc mua bán, kinh doanh vàng?

Giao dịch tại một điểm kinh doanh vàng.

Trả lời các câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết NHNN cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an (C45, C50, Tổ ĐB113) và Công an thành phố Hà Nội (PA84, PC46) đã có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng trong thời gian qua.

Theo ông Cảnh, tại Khoản 9 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định rõ: “Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6, 7, 8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân chỉ được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp giấy phép”. Do đó, căn cứ Nghị định 24/2012/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài đều là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép và NHNN cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm cả sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản). Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch vàng hay kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài khi chưa được phép đều vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

“Hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tiềm ẩn rủi ro rất cao, đặc biệt cho chính bản thân nhà đầu tư, phần lớn nhà đầu tư tham gia giao dịch trên sàn giao dịch vàng, nói cách khác là kinh doanh vàng tài khoản đều bị thua lỗ và nguy cơ vỡ nợ là rất lớn do được sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Do đó, NHNN khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch trên sàn giao dịch vàng và thực hiện kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài”, đại diện NHNN khuyến cáo.

Lệ Thúy
.
.
.