DN phía Bắc 'thờ ơ' chuyện giảm cước vận tải
>> Sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp chây ỳ giảm giá cước
Từ ngày 19/1/2015, Bộ Tài chính đã tổ chức 3 đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại một số địa phương ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Kết quả cho thấy tại Sơn La, Bắc Ninh, hay một số tỉnh ở phía Nam, hầu hết các DN đã chấp hành tương đối tốt chủ trương giảm giá cước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN cố tình chây ì không giảm giá hoặc chỉ giảm giá nhỏ giọt, giảm để đối phó.
Điển hình là Thủ đô Hà Nội. Trong kết luận thanh tra của mình, Bộ Tài chính đã khẳng định “tại Hà Nội, Hòa Bình vẫn còn tình trạng một số DN chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu”. Riêng tại Thủ đô Hà Nội, số liệu đoàn kiểm tra cho biết mới có 71 DN đã điều chỉnh giảm giá cước và gửi hồ sơ kê khai lại. Cụ thể: 17 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, mức giá điều chỉnh giảm từ 4-16,67%; 2 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container, mức giá điều chỉnh giảm 3-4%; 55 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi của 52 DN (3 DN kê khai giảm giá 2 lần), mức giá điều chỉnh giảm từ 4-9% so với mức giá kê khai gần nhất.
Đáng chú ý hơn, trong khi nhiều hãng xe không giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu thì có 3 DN vận tải ở Hà Nội đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng từ 20-60%. Điều này càng khiến cho DN vận tải Thủ đô thêm mang tiếng “ngang ngược”. Để “truy cứu” các DN vận tải chây ì giảm giá cước, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Ngày 4/2, các sở, ngành chức năng mời các đơn vị vận tải đến họp và yêu cầu giảm giá cước. DN nào ủng hộ, chấp hành thì cấp thêm lượt tuyến, đồng thời cắt bớt của DN chây ì không giảm giá cước. “Phải can thiệp bằng biện pháp hành chính, chứ không thể chỉ ngồi chờ ý thức tự giác của DN”, ông Hùng khẳng định.
Thực tế, công tác quản lý giá của các địa phương cũng cho thấy, một mặt, nếu không tạo sức ép tuân thủ pháp luật thì sẽ còn DN tiếp tục chây ì, không giảm giá cước, làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, và người tiêu dùng chịu thiệt. Mặt khác, cũng còn những DN có thể được xem xét, chấp thuận giảm mức thấp, thậm chí không phải giảm giá.
Nhiều DN vận tải ở Hà Nội vẫn không chịu giảm giá cước. |
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), với những DN đã không điều chỉnh tăng giá khi giá xăng tăng trong thời gian dài thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không cần phải bắt buộc DN giảm giá cước đợt này. Ðiều quan trọng là phải minh bạch được việc tính toán giá thành của DN, và công khai cho người tiêu dùng biết. Còn mức giảm như thế nào thì cơ quan quản lý giá sẽ tính toán, soát xét cụ thể, nhưng chắc chắn là đối với DN chây ì, cơ quan quản lý về giá và thuế sẽ phải kiểm tra yếu tố hình thành giá, bóc tách chi phí, và có biện pháp xử lý.
Hiện, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra các DN chưa thực hiện kê khai, kê khai lại giá phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế và quản lý tài chính; đồng thời yêu cầu các DN này phải thực hiện ngay việc kê khai giảm giá cước so với thời điểm kê khai trước liền kề phù hợp với mặt bằng mới của các yếu tố đầu vào và giá xăng dầu, trong đó chốt ngày thực hiện sớm nhất và phải trước thời điểm cao điểm vận tải phục vụ Tết Nguyên đán. Thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách DN chậm kê khai giảm giá cước.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện kê khai của các DN trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với giá cước vận tải hàng hóa (bao gồm vận tải container), đề nghị cân nhắc việc bổ sung giá cước vận tải hàng hóa vào danh mục dịch vụ kê khai giá theo thẩm quyền. “Sau kiểm tra, chúng tôi sẽ cùng DN xác định rõ chi phí hợp lý, hợp lệ cho mỗi km cước vận tải, từ đó xác định lợi nhuận hợp lý mà DN được hưởng trong cấu thành giá cước vận tải của DN. Trong trường hợp DN cố tình không hạ giá, chúng tôi xác định ngoài chấp nhận những khoản chi phí hợp lý, còn lại các chi phí bất hợp lý, cố tình đưa vào giá thành để đẩy chi phí giá thành cao lên thì bóc tách ra, yêu cầu hạch toán lợi nhuận, cần thiết sẽ chuyển cơ quan thuế để xác định thuế thu nhập bổ sung. Nếu có lợi nhuận bất hợp lý thì sẽ đề xuất Bộ Tài chính có biện pháp xử lý các khoản thu nhập bất hợp lý cho phù hợp”, ông Đặng Ngọc Tuyến - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết
Theo thông tin riêng của Báo CAND, đến thời điểm này, việc xử lý DN chây ì chỉ mới dừng lại ở nhắc nhở và đốc thúc là chủ yếu, việc xử phạt chỉ có một vài trường hợp, trong khi nếu điểm danh số DN chây ì không chịu giảm giá cước trên cả nước chắc phải đến con số hàng trăm.
Điều 11, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định: 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kê khai giá sai so với mẫu văn bản kê khai giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. 2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng các mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. 4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân quy định khi đăng ký giá không đúng với hướng dẫn về phương pháp tính giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này. b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ tiền chênh lệch giá do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều này do đăng ký giá không đúng với hướng dẫn về phương pháp định giá do cơ quan có thẩm quyền quy định. Trái với việc chấp hành khá tốt ở miền Nam, thì tại các tỉnh phía Bắc, nhiều địa phương vẫn bị nêu danh vì có nhiều DN chây ì giảm giá cước. |