Khởi nghiệp ở làng nghề truyền thống

Thứ Hai, 30/10/2017, 10:51
Những làng nghề truyền thống không chỉ giữ gìn được nét đẹp văn hóa đặc sắc của cha ông truyền lại, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động. Tuy hiện nay các làng nghề truyền thống còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn không ngừng phát triển, đổi mới sản xuất để phù hợp với thị trường. Từ đó xuất hiện nhiều hộ gia đình, nhiều cá nhân trẻ tiếp tục phát huy nghề truyền thống của cha ông vươn lên làm giàu chính đáng…

Trung tuần tháng 10, chúng tôi có dịp đến làng nghề đan lát ở vùng Thái Mỹ, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, trong không khí làm việc hăng say của những nghệ nhân khởi nghiệp. Tất cả tạo nên sức sống mới cho làng nghề cổ xưa.

Người dân xã Thái Mỹ nổi tiếng xưa nay sản xuất 2 sản phẩm nia và thúng mà không nơi nào cạnh tranh nổi về kĩ thuật và chất lượng. Hiện xã còn 300 hộ dân/tổng số hơn 3.300 hộ dân toàn xã còn duy trì nghề này.

Anh Lê Vinh Hạnh, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi cho biết, gia đình anh với nhiều đời làm nghề truyền thống đan lát nên đến đời anh cũng duy trì nghề truyền thống này. Những thế hệ của ba và ông nội, làng nghề phát đạt, thúng, nia làm ra được các mối lái từ các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ thu mua hết.

Các làng nghề truyền thống đổi mới để phát triển.

Tuy không phải là quá giàu nhưng thời đó với mức thu nhập ổn định đã cho cuộc sống khấm khá. Nhưng đến thời của anh, khởi nghiệp ban đầu từ chính nghề của cha ông lại khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà anh bỏ cuộc.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh sáng chế ra máy róc tre để bớt công lao động, giảm giá thành. Sau những tháng ngày gian khổ, cuối cùng chiếc máy róc tre cũng đã đời trong sự hoàn thiện. Máy róc tre do anh sáng chế có công suất xử lí nguyên liệu tre trúc bằng sức của 15 người mỗi ngày. Không chỉ dừng lại ở đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn của người dân Thái Mỹ, anh Hạnh còn nhập thêm 20 đầu máy chẻ nan từ Đài Loan về, khép kín khâu sản xuất nguyên liệu đan.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh có 25 công nhân thường xuyên cung ứng nguyên liệu đan cho hầu hết hộ gia đình trong làng nghề. Hiện tại, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng lợi nhuận. Theo anh, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là giá cả và đầu ra cho sản phẩm chưa được ổn định, mong Nhà nước và chính quyền quan tâm để cùng với người dân phát triển các làng nghề truyền thống.

Về quận Thủ Đức thăm làng nem vốn nổi tiếng lâu đời của người dân Sài thành. Chị Nguyễn Thị Hiếu, từ miền Trung lặn lội vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, chị Hiếu đã quyết định chọn nghề làm nem để mưu sinh. Năm 2010, chị bắt đầu với hành trình học việc đầy gian khó, cực khổ.

Nhưng bằng cái tâm với nghề, chị đã nhanh chóng có được nghề. Đến nay ngót 7 năm trời, chị đã có 1 cơ ngơi khang trang do chính nghề làm nem mang lại. Nem của gia đình chị sản xuất thường được các nhà hàng ở trung tâm thành phố đến đặt.

Ông Nguyên Hùng, chủ cơ sở nem Bà Chín nổi tiếng của quận Thủ Đức cho biết, trong khi nhiều người bắt đầu nản và chuyển nghề, nhưng ông quyết giữ cho bằng được. “Bí quyết sống được với nghề truyền thống của gia đình tôi là hiện đại hóa cách làm nem. Không thể giữ mãi lối sản xuất cũ kỹ, tốn nhiều thời gian, công sức như ngày xưa. Cái gì cải thiện được hãy cải thiện”, ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông dùng máy giã thịt thay cho giã tay, điều này không ảnh hưởng đến chất lượng thịt, mà lại tiết kiệm thời gian, công sức thợ. Thứ đến, ông đăng ký thương hiệu nem Bà Chín, công khai các chỉ tiêu chất lượng để người tiêu dùng tin tưởng. Ngoài cách gói nem theo chùm bằng dây và lá chuối, ông thiết kế hộp giấy để đóng gói tiện cho khách đi đường xa.

TPHồ Chí Minh hiện có 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tập trung ở 19 làng nghề. Điển hình như làng dệt chiếu Bình An; làng bao giấy Bình Đông ở quận 8; xóm lồng đèn Phú Bình ở quận Tân Bình và quận 11; làng đúc lư đồng An Hội; làng dệt chiếu Bến Hải ở quận Gò Vấp… trước đây từng phát triển rất hưng thịnh và trù phú, có những làng nghề có tuổi đời đến hàng thế kỷ. Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, mà nhiều làng nghề khác tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… cũng nổi tiếng như gốm sứ Bình Dương...

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 5.000 làng nghề, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ làng nghề đạt 1,6 tỷ USD và cung cấp đủ nhu cầu cho thị trường nội địa. Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để các làng nghề truyền thống ổn định, phát triển, Hiệp hội đã kiến nghị xây dựng Luật Làng nghề hoặc Pháp lệnh làng nghề để có cơ chế cho làng nghề đi lên.

Để lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, nên xem xét mở rộng chức năng văn hóa du lịchcác dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững như tiếp cận vốn tín dụng, giảm thiểu các thủ tục, tăng cường cho vay tín chấp (do hội làng nghề bảo lãnh), giảm lãi suất... có như vậy thì các làng nghề mới có thể duy trì và phát triển.

Hải Âu
.
.
.