Khó xử lý tranh chấp vay tiêu dùng
Không thanh toán nợ là ví dụ điển hình
Theo chia sẻ của chị Thu Thủy (Đống Đa, Hà Nội), năm 2013, chị có vay tiêu dùng không thế chấp của một CTTC. Thời gian đầu, do công việc ổn định nên chị trả cả lãi và gốc đúng thời hạn.
Tuy nhiên, sau đó, chị bị thôi việc ở công ty, cộng với việc làm ăn cá nhân cũng gặp khó khăn nên không còn nguồn để trả lãi và gốc món vay đúng hạn, khi nào dồn được tiền chị mới trả và chấp nhận chịu mức lãi suất nộp phạt chậm.
Đến năm 2015, kinh tế quá khó khăn, cùng với thời điểm đó chị lại mang thai và sinh con đơn thân nên lại càng không có khả năng để trả nợ.
Giải quyết tranh chấp trong vay tiêu dùng là vấn đề nan giải hiện nay. |
CTTC đã nhiều thông báo chị tất toán hợp đồng và trả nốt số nợ còn lại nhưng chị chỉ biết khất lần. Chị cũng đã nhiều lần gửi thư mong CTTC xem xét lùi thời hạn trả nợ để chị sinh con xong và tìm kiếm một công việc mới để trả nợ.
Đến nay, con chị cũng đã được hơn 1 tuổi. CTTC lại tiếp tục gửi thông báo yêu cầu chị thanh toán tiền nếu không sẽ khởi kiện ra tòa vì hành vi lừa đảo chiếm dụng tài sản. Tuy nhiên, chị vẫn chưa có nguồn thu nhập ổn định và không có khả năng trả nợ. Rủi ro cao nhất là khoản vay sẽ không được trả nợ.
Có thể thấy, chị Thủy là một trong những trường hợp khá điển hình trong các vụ liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động vay tiêu dùng mà các CTTC hiện đang gặp phải.
Trao đổi vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Vụ việc của chị Thủy chỉ là quan hệ dân sự, chưa có dấu hiệu tội phạm. Nếu khách hàng không trả được nợ đúng hạn hoặc mất khả năng trả nợ thì tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ khởi kiện khách hàng ra tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tòa án sẽ tuyên bản án buộc khách hàng phải thanh toán khoản nợ đó. Nếu sau khi tòa án xét xử mà khách hàng vẫn không chấp hành bản án thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành.
Nếu khách hàng không có tài sản riêng để thi hành thì khi nào khách hàng có tài sản, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành kê biên, phong tỏa tài sản... để thu hồi nợ cho TCTD theo bản án.
Trường hợp khách hàng bỏ trốn hoặc sử dụng số tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng hoàn trả khoản nợ thì khách hàng mới phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu khách hàng không có mục đích chiếm đoạt số tiền trên mà chỉ khó khăn chưa trả được nợ thì vụ việc chỉ giải quyết theo quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, về nguyên tắc thì có vay, có trả, khách hàng nợ CTTC thì cũng phải tìm phương án trả nợ và có những thỏa thuận hợp lý mà bên cho vay có thể chấp nhận được để tránh mâu thuẫn, tranh chấp căng thẳng có thể xảy ra...
Vướng vì quy định chưa rõ ràng
Theo luật sư Bùi Quang Minh, Đoàn Luật sư Hà Nội, đứng về phía cạnh pháp lý hiện nay nếu hai bên đã đồng ý ký vào hợp đồng rồi thì đương nhiên phải có trách nhiệm thực hiện theo các điều khoản thỏa thuận đã ký.
Trong khi đó, trên thực tế có nhiều người khi vay tại các CTTC thường không tìm hiểu kỹ về khoản vay của mình trước lúc đặt bút ký, để rồi sau đó cảm thấy “hụt hẫng” về các loại phí phạt hay lãi suất vay mà có thái độ chây ì trả nợ.
Hiện nay đang tồn tại sự mâu thuẫn giữa Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Dân sự, gây nhiều tranh cãi giữa bên đi vay và cho vay.
Cụ thể, theo khoản 2 điều 91 trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Song, theo điều 476 Bộ Luật Dân sự quy định về việc không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản (lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 9%/năm suốt từ năm 2010 tới nay - nghĩa là không cho vay quá 13,5%/năm).
Điều này đã gây nên một sự khó hiểu trong tâm lý người tiêu dùng. Thực tế, đã có trường hợp người đi vay không còn khả năng trả nợ và cảm thấy vô lý khi phải trả lãi suất cao hơn so với ngân hàng thương mại, họ đã đâm đơn khiếu kiện các CTTC căn cứ trên nền tảng là Luật Dân sự có quy định về trần lãi suất.
Tuy nhiên, ngay chính các cơ quan Tòa án cũng lúng túng trong việc xác định mức lãi suất thỏa thuận. Hiện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng biện pháp quản lý lãi suất tín dụngtiêu dùng.
Như vậy, có thể thấy, giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản hiện còn vấp phải khá nhiều khó khăn do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, cụ thể hoặc đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Bối cảnh này, đòi hỏi chúng ta cần sớm kiện toàn Dự thảo về hoạt động tiêu dùng cho các CTTC để việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao hơn.